Các chức danh cấp xã, tổng ở Bắc Ninh thời Lê-Nguyễn
Trong lịch sử, nhiều chức danh cấp xã, cấp tổng ở Việt Nam đã từng tồn tại một thời gian dài, nhưng đến nay đã không còn nữa. Bài viết này, có nhiệm vụ điểm lại một số chức danh cấp xã, cấp tổng ở Bắc Ninh nhằm giúp bạn đọc có thêm tư liệu về một số vấn đề cần được quan tâm trong lịch sử.
1. Các chức danh chính quyền
1.1. Cấp xã
Ở cấp xã (làng), thời Lê có các chức danh: Xã chính, Xã quan, Trưởng xã quan và Xã chính kiêm Xã quan. Chức Xã chính và Xã quan có từ thời Trần. Những chức danh này đều dùng để chỉ người đứng đầu một xã và phải được toàn dân xã ấy bầu bằng phiếu kín và được Tri huyện chuẩn y. Các chức vụ Xã chính, Xã quan, Trưởng xã quan và Xã chính kiêm Xã quan được Tri huyện cho quản lý và được sử dụng triện đồng trong các công việc hành chính của xã. Chức vụ Xã chính đều là người của xã ấy, có điền sản và gia tư khá giả. Còn chức Xã quan (hoặc Huyện Xã quan, hoặc Trưởng Xã quan) là người của Huyện đường, có lương bổng, được cử về làm việc tại một xã nào đó.
Các chức danh: Xã chính, Xã quan (huyện xã quan) thấy tồn tại đến thời Lê; chức danh Xã trưởng xuất hiện vào thời Tây Sơn (1791); chức danh Trưởng xã quan thấy xuất hiện vào thời Minh Mệnh (1832).
Thời Tự Đức (năm 1848) đến tháng Tám năm 1945, thay cho các chức danh trên ở cấp xã (làng), chúng ta thấy xuất hiện chức danh Lý trưởng. Chức vụ, quyền hạn của Lý trưởng từ thời Tự Đức trở về sau cũng giống như Xã chính, Xã trưởng thời Lê. Thời Nguyễn không có chức danh Xã quan như thời Lê.
Ở những cụm dân cư không thành lập được đơn vị xã, gọi là trang. Người đứng đầu trang gọi là Trang chính (tương đương với chức Xã chính).
- Xã phó: giúp việc cho Xã chính (Xã quan, Xã trưởng), vào thời Lê (năm 1684), chúng ta còn thấy có chức danh Xã phó, Xã sử, Thư ký (hoặc Xã sử kiêm Thư ký) và Câu đương. Nếu xã phó được Xã chính ủy quyền phụ trách một số mặt hành chính nào đó của xã hoặc được ủy quyền giải quyết mọi công việc trong phạm vi xã mình khi Xã chính đi vắng thì Xã sử và Thư ký chỉ được làm những công việc sự vụ lặt vặt do Xã chính sai phái hoặc làm công việc ghi chép sổ sách. Thời Nguyễn ở cấp xã có chức Trưởng bạ và Thủ quỹ, giúp Lý trưởng quản lý về ruộng đất, tiền công quĩ của làng. Trưởng bạ thay cho chức Nông trưởng thời Lê.
Chức danh Câu đương không phải bao giờ và làng nào cũng có mà chỉ khi nào làng khuyết chân Xã chính mà Tri huyện chưa bổ Xã quan về thì làng mới được cử chức Câu đương. Chức vụ này không do bầu mà do Tri huyện tạm cử để điều hành các công việc hành chính của làng. Khi Tri huyện cử Xã quan hoặc cho bầu chức Xã chính thì mặc nhiên chức vụ Câu đương không còn nữa.
Ngoài các chức danh trên, vào thời Lê, Nhà nước còn đặt ra chức danh Xã giám ở mỗi xã. Người có chức danh Xã giám có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của Xã quan, Xã chính, Xã sử,... theo Luật nhà nước và theo Hương ước của làng, đặc biệt là các mặt linh, lương, thuế khóa, sưu dịch.
1.2. Cấp tổng
Tổng là một cấp hành chính dưới cấp huyện và trên cấp xã. Người đứng đầu một tổng thông thường đã từng kinh qua chức vụ Xã chính, (Xã trưởng, Lý trưởng), có trình độ học vấn là Sinh đồ (Tú tài) hoặc đã từng đỗ Nhất, Nhị trường hoặc đã qua kỳ khảo hạch ở huyện, gia đình có điền sản. Chức danh dành cho người đứng đầu một tổng cũng được thay đổi nhiều lần trong lịch sử. Các chức danh: Tổng trưởng, Tổng chính, Cai tổng, được dùng trong các thời kỳ khác nhau trong thời Lê cho đến đầu thời thời Nguyễn. Riêng chức danh Chánh tổng, thấy xuất hiện vào cuối thế kỷ XVII, nhưng sau đó không thấy xuất hiện. Đến thời Minh Mệnh sử dụng lại cho đến tháng Tám năm 1945.
Trên danh nghĩa, người đứng đầu một tổng có địa vị cao hơn người đứng đầu một xã, nhưng trên thực tế, người đứng đầu tổng chỉ có hư danh mà không có thực quyền. Mọi công việc binh lương, thuế khóa, phu phen, tạp dịch,... Tri huyện sức thẳng cho Xã chính (Xã trưởng, Lý trưởng) chứ không cần thông báo cho Cai tổng (Tổng trưởng, Chánh tổng) và ngược lại, mọi công việc binh lương, thuế khóa, phu phen, tạp dịch,... của xã, người đứng đầu xã ấy báo cáo thẳng với Tri huyện mà không cần báo cáo với Cai tổng (Tổng trưởng, Chánh tổng). Vào thời Nguyễn, chúng ta thấy xuất hiện chức danh Phó tổng. Phó tổng là người giúp việc cho Chánh tổng. Trên thực tế, Phó tổng chẳng chỉ có cái danh hão. Một số chức danh khác của cấp tổng, chúng tôi thấy, năm Chính Hòa thứ 11 (1690) có chức Thủ khoán bản tổng và vào năm Gia Long thứ 16 (1817) có chức danh Tổng huấn bản tổng,
2. Các chức danh của người đứng đầu lực lượng bảo vệ trật tự trị an và giáo dục
- Các chức danh của người đứng đầu lực lượng bảo vệ trật tự trị an: Khán thủ (thời Lê) và Trương tuần (thời Nguyễn).
- Các chức danh của người phụ trách giáo dục: thời Lê có chức Xã giáo (năm 1794), Xã tư (năm 1779); thời Nguyễn có chức Hương sư.
3. Các chức danh lãnh đạo của các đoàn thể xã hội và các tổ chức hoạt động tín ngưỡng
3.1. Các tổ chức xã hội
- Hội Tư văn: là một tổ chức quần chúng, bao gồm những người có học, những vị quan văn đã về hưu và những vị chức dịch, sắc mục của một làng, một tổng, một huyện. Vào thời Lê và thời Nguyễn, Hội tư văn có 3 cấp: xã, tổng và huyện. Hội Tư văn các cấp mỗi năm họp mặt hai lần vào ngày sơ Đinh của tháng Trọng Xuân (tháng 2 âm lịch) và ngày sơ Đinh của tháng Trọng Thu (tháng 8 âm lịch) tại văn chỉ (cũng có nơi gọi là từ chỉ) của xã, của tổng, của huyện mình. (còn các vị văn thân hàng tỉnh thì hội họp ở văn miếu hàng tỉnh).
Người đứng đầu Hội Tư văn, tùy thời kỳ mà có tên gọi khác nhau. Vào thời Lê, chúng ta thấy có chức danh Trùm trưởng Hội Tư văn, Tư văn trưởng, Trùm Tư văn. Còn ở thời Minh Mệnh (năm 1832) lại gọi là Văn trưởng Tư văn.
Người đứng đầu Hội Tư văn hàng tổng thì được gọi là Văn xướng Tư văn hoặc Tổng trưởng Tư văn.
- Hội Tư võ: không phải làng nào ngày xưa cũng có Hội tư võ. Những làng có hội Tư võ thường có tòa võ chỉ (đối xứng với tòa văn chỉ). Hội viên của Hội Tư võ là những vị theo nghiệp võ, đã từng có chức Cai, chức Đội, những người được thưởng những danh hiệu của nhà binh đã về hưu. Người đứng đầu Hội Tư võ thời Tây Sơn (năm 1800) được gọi là Võ trưởng.
3.2. Các chức danh trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng
Trong tổ chức Vãi già của Phật giáo, chúng tôi thấy có chức danh Vãi trưởng (văn bia “Nguyễn quí thị hậu bi ký” tại xã Sung Lư tổng Hương Tảo huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, dựng năm Vĩnh Trị thứ 3-1678).
Trong hoạt động tín ngưỡng thờ tự Thành hoàng, chúng ta thấy có các chức danh: Quan Đám, Cai Đám, Ông Đám. Mặc dù tên gọi có khác nhau, nhưng nhiệm vụ của những vị này là thay mặt dân ra đình làm công việc sự thần. Chức danh Quan Đám (Ông Đám, Cai Đám) do dân làng bầu ra, nhiệm kỳ là 1 năm.
4. Các danh vị không có nhiệm vụ cụ thể
Thời Lê và thời Nguyễn, ở vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung và ở Bắc Ninh nói riêng có nhiều chức danh chẳng có nhiệm vụ cụ thể gì, nhưng lại có chút ít quyền lợi. Đó là chức danh Tiên chỉ, Nhiêu, Hương lão, Hương biểu, Chánh Hương hội, Tộc biểu. Chút ít quyền lợi đó là: khi làng có việc, cụ Tiên chỉ hưởng cố biếu một mình một cỗ; người được gọi là lão nhiêu được miến phu phen tạp dịch; Hương lão, Hương biểu, Chánh Hương hội, Tộc biểu được ngồi bàn bạc việc làng ở chốn đình trung. Những chức này, trong nhiều trường hợp, do gia đình người đó bỏ tiền ra mua mà có.
Tìm hiểu những chức danh cấp xã, tổng ở Bắc Ninh thời Lê Nguyễn, chúng tôi thấy nổi lên hai đặc điểm: một là, các chức danh này không phải là nhất thành bất biến mà có sự thay đổi qua thời gian và triều đại; hai là, trong một làng có rất nhiều có chức danh, những chức danh này đều không có lương, nhưng người có chức danh luôn làm tốt phận sự của mình và không chỉ riêng bản thân mà cả gia đình người đó luôn tỏ ra tự hào vì có chức danh đó.