Hội thảo khoa học “Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn - Giá trị lịch sử và đương đại”

15/10/2018 10:12 View Count: 148

Sáng ngày 12/10, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước), Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn - Giá trị lịch sử và đương đại”. Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa dự và chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo cấp Vụ và công chức làm công tác cải cách hành chính của một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Trưởng phòng và công chức trực tiếp theo dõi cải cách hành chính của Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sử học và lãnh đạo Cục, Trưởng và Phó các đơn vị thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, Hội thảo khoa học với chủ đề “Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn - Giá trị lịch sử và đương đại" có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thực sự cần thiết, cả về lý luận và thực tiễn. Hội thảo lần này không chỉ là dịp để các nhà khoa học, các nhà sử học, các chuyên gia cải cách hành chính, cũng như các quý vị đại biểu đến từ các Bộ, ngành và địa phương ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc; đồng thời, cũng là dịp để tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm cải cách, những kế sách của vương triều Nguyễn, nhằm rút ra những bài học hữu ích để vận dụng vào thực tiễn cải cách, đổi mới hiện nay của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là thực hiện các chủ trương lớn về cải cách hành chính nói chung, cải cách tổ chức bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là một diễn đàn để các nhà khoa học,  đại biểu chia sẻ những nghiên cứu, hiểu biết về những giá trị lịch sử của vương triều Nguyễn đã để lại trên nhiều mặt như thể chế, tổ chức bộ máy, chế độ quan lại, thi cử, địa giới hành chính… cũng như những kinh nghiệm quý báu trong việc triển khai thực hiện các nội dung cải cách hành chính, sáng kiến cải cách hành chính trong thời gian vừa qua, thông qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày nay.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, các thành viên tham dự Hội thảo cùng nhau làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, những thành tựu nổi bật trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ quan lại dưới triều Nguyễn; suy nghĩ, trao đổi và tìm những cách thức, con đường, biện pháp mới nhằm khai thác tối đa giá trị của tài liệu lưu trữ và các nguồn sử liệu lưu trữ, để kịp thời chuyển tải những giá trị tốt đẹp của cha ông ta; đặc biệt, trong những nội dung gắn bó mật thiết với công cuộc cải cách hành chính hiện nay đang được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh triển khai thực hiện. Các đại biểu đại diện từ các Bộ, ngành và địa phương cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm hay đang được triển khai thực hiện, thông qua đó, đóng góp những định hướng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại bộ, ngành và địa phương nói riêng, trên bình diện cả nước nói chung. Những suy nghĩ, thảo luận sẽ là phương thức hữu hiệu để tìm ra các giải pháp, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đúng đắn hơn nữa cho công cuộc cải cách hành chính. Đồng thời, cải cách hành chính được đẩy mạnh thực hiện cũng sẽ có tác động lan tỏa, tích cực tới sự phát triển của công tác lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị các nguồn tài liệu lịch sử, trong thời gian tới.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, cho biết, ngược dòng lịch sử cùng nhìn lại những gì ông cha ta đã làm, nhận thấy mỗi một triều đại phong kiến hầu như đều có ít nhất một cuộc cải cách diễn ra. Trong đó, một số đã để lại nhiều dấu ấn như: Cuộc cải cách do Hồ Quý Ly khởi xướng những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15; cải cách của vua Lê Thánh Tông thực hiện từ năm 1466 đến năm 1471; cải cách của vua Quang Trung những năm cuối thế kỷ 18 hay cải cách dưới thời vua Minh Mệnh nhà Nguyễn năm 1831 - 1832.

Nói về cải cách hành chính triều Nguyễn không thể không nhắc đến vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long. Ngay sau khi lập nước, ông đã định ra nhiều chính sách mới như: đặt quốc hiệu Việt Nam, đặt nghi thức thiết triều, đo đạc lập địa bạ trên toàn quốc, quy định trang phục, ấn triện, tiền tệ... mới hoàn toàn so với trước. Đến đời vua Minh Mệnh, với bản tính của một người năng động, quyết đoán, mặc dù kế thừa sự nghiệp khá vững chắc của vua cha Gia Long, ông vẫn quyết tâm cải tổ từ bộ máy hành chính, quan ngạch, quân đội, khoa cử, 4 thuế khóa… Đặc biệt, ông phân định lại toàn bộ địa giới hành chính cả nước tinh gọn và dễ kiểm soát hơn.

Có thể nói cải cách hay canh tân luôn là nhu cầu thiết yếu của mỗi giai đoạn lịch sử và cũng là khát vọng của những người đứng đầu đất nước. Tuy mỗi giai đoạn, nhà cầm quyền có những mục tiêu và phương thức khác nhau nhưng đều hướng tới mong muốn chung là làm sao cho dân giàu nước thịnh, xã hội ổn định phồn vinh. Và để đạt được mục tiêu đó việc củng cố tinh lọc bộ máy hành chính, tuyển chọn sử dụng nhân tài, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực nhà nước luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc minh quân.

Hội thảo không chỉ là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà sử học, các chuyên gia cải cách hành chính, các đại biểu đến từ các bộ, ngành và địa phương ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc, mà còn là dịp để tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm cải cách, những kế sách của vương triều Nguyễn, nhằm rút ra những bài học hữu ích để vận dụng vào thực tiễn cải cách, đổi mới hiện nay của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là thực hiện các chủ trương lớn về cải cách hành chính nói chung, cải cách tổ chức bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng.

Với gần 20 tham luận được gửi và trình bày tại Hội thảo của các nhà khoa học và một số địa phương trong cả nước tập trung chủ yếu vào các vấn đề: thừa nhận, đánh giá cao những thành tựu cải cách của triều Nguyễn, đặc biệt là cuộc cải cách hành chính dưới thời vua Minh Mệnh trên các lĩnh vực: cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách quan chế, cải cách chế độ văn thư hành chính…; một số tham luận đi sau phân tích về Luật “Hồi tị”, một chính sách ưu việt dưới thời phong kiến và triều Nguyễn trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước hạn chế tham nhũng, tránh việc lợi dụng mối quan hệ cá nhân để tư lợi; một số tham luận công bố các tư liệu gốc về cải cách hành chính triều Nguyễn thông qua các Di sản tư liệu thế giới, như: Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn; tham luận của các Sở Nội vụ của một số địa phương nêu lên thực trạng cải cách hành chính tại địa phương trên các lĩnh vực: sắp xếp tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi một số dịch vụ công từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân…

Các tham luận sau khi phân tích những giá trị lịch sử của cuộc cải cách dưới triều Nguyễn và thực tiễn cải cách hành chính tại địa phương đều đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp cho công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.

Những đóng góp của hội thảo về các khía cạnh cải cách nói chung và cải cách hành chính nói riêng trong quá khứ và hiện tại, hy vọng sẽ góp thêm những góc nhìn khoa học mới mẻ và thực tiễn giúp các nhà quản lý đương thời hoạch định chính sách cải cách phù hợp.

 
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến, tham luận của các đại biểu. Đây là những ý kiến quý báu để Bộ Nội vụ tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu, đóng góp nhiều hơn nữa không những cho lưu trữ lịch sử của đất nước mà còn cho cả công cuộc cải cách hành chính trong thời gian tới.

Thứ trưởng đề nghị: (1) Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, Di sản tư liệu Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn và một số nguồn tài liệu tư liệu khác, đặc biệt các nội dung cải cách hành chính. (2) Vụ Cải cách hành chính tiếp thu, tổng hợp những nội dung, ý kiến đã được các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà sử học và một số địa phương trình bày để có những đề xuất cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nhân rộng mô hình hay, bổ sung vào kế hoạch cải cách hành chính và những giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới. (3) Trong năm 2019, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cần phối hợp với Vụ Cải cách hành chính lựa chọn những chuyên đề có tính chuyên sâu, cải tiến nội dung, hình thức làm cho Hội thảo khoa học được phong phú hơn, như: lựa chọn chuyên đề địa chính, bổ nhiệm quan lại, kiểm soát quyền lực, văn thư lưu trữ thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, triển lãm trực tuyến… (4) Tổ thư ký tiếp thu và ghi chép đầy đủ những nội dung, ý kiến của các đại biểu để báo cáo lãnh đạo Bộ. (5) Thứ trưởng cũng hi vọng trong thời gian tới, các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà sử học tiếp tục quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính, văn thư lưu trữ và vấn đề lịch sử để tham gia, đóng góp ý kiến giúp Bộ Nội vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chính sách về cải cách hành chính trong thời gian tới.

Theo Anh Cao (Bộ Nội vụ)

bn-current-user-online-portlet

Online : 3437
Total visited : 151113961