Không nhất thiết bộ máy Trung ương có gì, địa phương có nấy
Trong tổ chức bộ máy, không nhất thiết TW có cái này thì địa phương cũng phải có cái đó, không nhất thiết địa phương nào cũng có bộ máy giống nhau.
Trưởng Ban Tổ chức TW Phạm Minh Chính: Những gì chưa có trong quy định nhưng vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm.
Thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức QH sáng nay, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho rằng, bàn đến tổ chức bộ máy luôn là vấn đề rất nhạy cảm, khó khăn, bàn đi bàn lại rất nhiều lần.
Không có gì phải sốt ruột
“Qua quá trình thực hiện cho thấy quy luật: Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì bộ máy tổ chức thay đổi, rồi cơ cấu, cán bộ, năng lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cũng phải thay đổi theo để đáp ứng tình hình.
Vì vậy không có gì phải sốt ruột. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước mở rộng dần là quan điểm của Đảng”, ông Chính nói.
Nhắc lại tinh thần của nghị quyết TƯ xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Trưởng Ban Tổ chức TƯ cho biết: “Năm 2017 chi thường xuyên chiếm 64% tổng chi ngân sách, năm 2018 giảm hơn. Nếu năm nay giảm xuống trên 60% một chút thì sẽ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển. Chỉ cần giảm 1% thôi thì chúng ta có hơn 10.000 tỷ rồi”.
Ông cũng nhắc lại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nói rõ, tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, việc chức cho phù hợp. Cùng với đó là khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm và miêu tả khung năng lực, đồng bộ giữa tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng vị trí việc làm.
“Trên cơ sở đó để xét tổng thể, cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng thì cương quyết phải làm. Những gì chưa có trong quy định nhưng vượt quá thực tiễn thì ta mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, từng bước mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”, ông Phạm Minh Chính lưu ý.
Theo ông, tổ chức bộ máy hay bố trí con người phải xuất phát từ thực tiễn, không nhất thiết cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng có bộ máy giống nhau; không nhất thiết TƯ có cái này thì địa phương cũng phải có mà phải rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi nơi.
Ông Phạm Minh Chính cho rằng, giải pháp đề ra đã rõ, phải rà soát kỹ lại thẩm quyền trách nhiệm của mỗi đơn vị công tác, mỗi địa phương với tinh thần 1 việc chỉ 1 cơ quan, 1 người đảm nhận và 1 người, 1 cơ quan có thể đảm nhận nhiều việc.
“Cái gì DN, xã hội làm được và làm tốt hơn thì nên giao cho DN, xã hội làm. Nhưng Nhà nước phải nắm quyền chi phối khi cần thiết, nếu có liên quan an ninh quốc phòng, tức là phải rất linh hoạt”, ông Chính nhấn mạnh.
Phân cấp, phân quyền đúng vai, thuộc bài
Về tinh giản bộ máy, Trưởng Ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh đến việc tăng cường phân cấp phân quyền, ủy quyền đi đôi với tăng cường giám sát kiểm tra, kiểm soát quyền lực, đúng vai, thuộc bài.
Ông nêu thực tế khi xây dựng các nghị quyết TƯ thì thấy bộ phận phục vụ còn nhiều điều chưa hợp lý, phải cơ cấu lại đội ngũ này cho phù hợp.
“Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ quyền hạn để xây dựng vị trí việc làm rồi mới xây dựng biên chế. Làm tổng thể như thế mới đảm bảo chặt chẽ, biện chứng, vừa tinh giản bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thì mới nâng cao được hiệu lực, hiệu quả”, Trưởng ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Chính cũng nhắc đến giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.
“Từ thực tiễn mới biết được để mà cải cách chứ ngồi thì không nghĩ hết được, dù nghiên cứu kỹ đến mấy cũng không thể phủ hết các góc cạnh của cuộc sống. Tôi thấy cái này thấm thía lắm. Tối hôm nay ngồi làm thấy rất hay nhưng sáng hôm sau nghĩ lại thấy mâu thuẫn thực tiễn nên phải ngồi sửa”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ phân tích.
Ông cũng lưu ý, bản thân cán bộ công chức, viên chức và các đại biểu phải tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ, uy tín, được dân yêu quý hơn. Cùng với đó là quy định rất rõ quyền hạn, trách nhiệm nghĩa vụ, chế độ chính sách, trong đó có chế độ chính sách của ĐBQH.
Nhắc lại chủ trương của Đảng về tăng ĐBQH chuyên trách lên ít nhất 35%, Trưởng Ban Tổ chức TƯ nói, cấp ủy phải có trách nhiệm trong việc này khi bàn về nhân sự.
Nên nghiên cứu tăng ĐBQH chuyên trách theo hướng các ĐB sau khi hết tuổi làm công tác quản lý ở QH mà có kinh nghiệm, uy tín, đủ sức khỏe, có năng lực và tâm huyết, mong muốn cống hiến thì nên xây dựng cơ chế để họ có thể ứng cử làm ĐB chuyên trách.