Kinh nghiệm xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bắc Ninh

15/08/2018 11:11 View Count: 1711

Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức. Căn cứ vào đó để xác định biên chế, bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính. Đồng thời,  xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức là công việc mới, khó nhưng có ý nghĩa. Nó có vai trò quan trọng giúp cơ quan, tổ chức trong việc đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức từ khâu tuyển dụng, quản lý, bố trí sử dụng, đánh giá đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức.

Kết quả thực hiện

Ngày 29/7/2014, UBND tỉnh có văn bản số 127/TTr-UBND gửi Bộ Nội vụ về việc đề nghị thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh đã xác định được 3.100 vị trí việc làm, trong đó vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành là 1.309 vị trí; vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ là 1.055 vị trí và vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ là 736 vị trí. Bên cạnh đó, tỉnh đã có văn bản số 2211/TTr-UBND ngày 16/9/2014 và văn bản số 2296/TTr-UBND ngày 25/9/2014 về việc đề nghị thẩm định Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2015, gửi Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định. Theo đó, tỉnh đã xác định được 10.873 vị trí việc làm, trong đó vị trí gắn với công việc quản lý, điều hành là 2.447 vị trí, vị trí gắn với công việc hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp là 5.760 vị trí và 2.666 vị trí gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ. Đến ngày 31/12/2015, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 2021/QĐ-BNV về việc phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Bắc Ninh.

Trên cơ sở Quyết định của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm để tổng hợp và phê duyệt theo quy định

Khó khăn trong quá trình thực hiện

Nhìn chung, việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định số lượng vị trí việc làm và số người làm việc tương ứng. Điều đó cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn mang lại hiệu quả trong công tác tổ chức, xây dựng bộ máy hành chính của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thực hiện tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

- Việc xây dựng khung năng lực của vị trí việc làm mang tính chất định tính và bị chi phối bởi số lượng, chất lượng, kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Việc giao chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc cho mỗi cơ quan, tổ chức được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức. Theo yêu cầu quản lý biên chế, tinh giản biên chế như hiện nay thì khó khăn trong việc đảm bảo biên chế theo vị trí việc làm đã được phê duyệt (tuy nhiên có không ít đơn vị có tâm lý muốn tăng thêm hoặc giữ nguyên biên chế nên chưa mô tả hết thực chất tính chất công việc của từng vị trí việc làm;...).

- Việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ sau xác định vị trí việc làm và khung năng lực gặp khó khăn do thực trạng bố trí, sử dụng công chức, viên chức dựa kinh nghiệm công tác hoặc một số trường hợp công chức, viên chức có vị trí việc làm không phù hợp với trình độ, chuyên môn đã được đào tạo.

Bài học kinh nghiệm

Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tỉnh Bắc Ninh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của tỉnh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và đồng thuận cao của các cấp, các ngành. Ngay sau khi có Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai công tác này đến tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 709/KH-UBND ngày 16/4/2013 về việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh;… Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức cho các Sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn số 258/HD-SNV ngày 22/4/2013 và Hướng dẫn số 316/HD-SNV ngày 06/6/2014 để tất cả các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện và hướng dẫn cách thức thẩm định kèm theo biểu mẫu cùng thành phần hồ sơ phục vụ việc thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. Qua đó, giúp các đơn vị nhận thức đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa, nắm được yêu cầu, cách thức xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức của các đơn vị, bảo đảm phù hợp với chức năng, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc của từng đơn vị.

            Thứ hai, xác định vị trí việc làm muốn triển khai hiệu quả trong thực tế cần thực hiện theo lộ trình và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tâm lý, tài chính, nhân lực, thời gian để thực hiện. Để tiến hành xác định vị trí việc làm, trước hết cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của những đơn vị thí điểm thực hiện, xem những hoạt động nào diễn ra thường xuyên, liên tục, hoạt động nào mang tính thời vụ để có cơ sở tính toán hợp lý.

Thứ ba, cần tham khảo các tài liệu trong nước và nước ngoài về kế hoạch hóa nguồn nhân lực, xây dựng định mức trong các cơ quan, tổ chức,… Vận dụng những phương pháp khoa học phù hợp nhất, khả thi nhất với tính chất công việc của đơn vị để xây dựng: Danh mục sản phẩm, định mức sản phẩm,… Từ đó xây dựng quy trình xác định biên chế cho từng vị trí việc làm một cách hiệu quả.

Thứ tư, do chức năng, nhiệm vụ mỗi cơ quan, đơn vị là khác nhau, vì vậy việc xác định chỉ tiêu biên chế, cơ cấu công chức, viên chức cho các cơ quan, đơn vị phải được thực hiện riêng, không thể lấy kết quả đo lường của cơ quan này áp cho cơ quan khác mà cần nghiên cứu cho từng cơ quan trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, không thể xác định định mức cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp chung cho tất cả các cơ quan mà cần phải nhóm theo mức độ phức tạp của từng loại nhiệm vụ và được tính toán một cách chi tiết riêng cho từng cơ quan, đơn vị.

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao để cùng hướng tới mục tiêu chung của công cuộc cải cách hành chính, cải cách chế độ công chức công vụ, cụ thể là hoàn thiện xây dựng đề án vị trí việc làm. Từ đó góp phần khắc phục tình trạng tổ chức, bộ máy và nhân sự hoạt động công vụ chưa chuyên nghiệp đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm sự thành công của công cuộc cải cách mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện./.

Ngô Giang Sơn

bn-current-user-online-portlet

Online : 3834
Total visited : 151080976