Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Thôn, tổ khu phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong khu vực ở một xã, phường, thị trấn; là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của cấp trên giao.
Sau khi Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BNV, ngày 31/8/2012, Thông tư số 14/2018/TT-BNV, ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2022/QĐ-UBND ngày 08/4/2022 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố trên đia bàn tỉnh Bắc Ninh và một số văn bản khác nhằm đồng bộ trong công tác quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ tham gia vào hoạt động của thôn, khu phố.
Hiện nay, toàn tỉnh có 730 thôn, khu phố, trong đó có 205 khu phố, 525 thôn; 444 thôn, khu phố loại 1, 286 thôn, khu phố loại 2; Các khu phố được thành lập trên cơ sở thôn ở các xã hiện có được chuyển đổi khi thành lập các phường mới. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã sáp nhập 03 thôn, khu phố cụ thể như sau: Khu phố Yên Lã 1, 2 thành Khu phố Yên Lã thuộc phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn; Khu phố 1, 2 thành Khu đô thị mới thuộc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong; thôn Phú Lâu 1 và thôn Phú Lâu 2 thành thôn Phú Lâu thuộc xã Phú Lương, huyện Lương Tài. Sau sáp nhập, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của thôn mới có nhiều chuyển biến. Các tiêu chí nông thôn mới nhanh chóng được hoàn thành và đạt chuẩn theo quy định.
Thời gian qua, hiệu quả hoạt động của thôn, khu phố được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Hiệu quả đó không chỉ ở giá trị về mặt vật chất như các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn góp phần tăng cường sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của người dân đối với Ðảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở…
(Ngày hội đại đoàn kết dân tộc góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương)
Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đều được các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai dân chủ đúng quy định của pháp luật. Nhân dân tham gia ý kiến được các cấp chính quyền tiếp thu và tổ chức niêm yết công khai các nội dung như: quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các dự án, công trình đầu tư tại cơ sở, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công khai các loại thủ tục hành chính và các loại phí, lệ phí, các quy định về chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đến người dân, các đối tượng chính sách, …
Hầu hết các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tốt những việc nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp như: mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông, các công trình tâm linh, bình xét các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người có công, hộ nghèo, xây dựng các công trình phúc lợi…. Chính quyền xã, phường, thị trấn chỉ đạo các thôn, khu phố thực hiện công khai bàn bạc thống nhất với nhân dân trong việc bình xét hộ nghèo, thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn, giống, cây trồng, vật nuôi… cho nhân dân. Trong thực hiện các chương trình dự án có hỗ trợ kinh phí, đều được công khai trên hệ thống phát thanh của địa phương, thông qua họp dân về đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ. UBND các xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện nhiều chương trình dự án, nên không có trường hợp khiếu kiện về các nội dung trên.
Việc xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước của thôn, làng, khu phố; thực hiện chế độ chính sách người có công, chính sách xã hội, vận động nhân dân đóng góp xây dựng các loại quỹ ở cơ sở, xây dựng nhà Đại đoàn kết, bầu; miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Trưởng khu phố, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng… được thực hiện nghiêm túc bằng nhiều hình thức như: Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp thôn, xóm, khu phố và các cuộc họp của các chi, tổ hội hoặc hòm thư góp ý. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh 100% thôn, khu phố đã xây dựng quy ước, hương ước.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã phát huy vai trò của mình trong tập hợp quần chúng nhân dân tham gia tổ chức đoàn thể góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, vệ sinh môi trường và hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động.
(Ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng Nhân dân)
Các phong trào thi đua được thôn, khu phố hưởng ướng hiệu quả tiêu biểu là Hội Liên hiệp Phụ nữ trong phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", xây dựng đường hoa, cải tạo cảnh quan môi trường; mô hình phân loại rác tại nguồn và xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO; Hội Cựu chiến binh chỉ đạo triển khai thành lập Chi hội Cựu chiến bảo vệ môi trường ở khu dân cư; Công an xã xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự xã hội; bảo đảm an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư;…
Thực tế tại các địa phương nêu trên cho thấy, mô hình này đã góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy, ban lãnh đạo thôn nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời tinh thần chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh vấn đề phát sinh tại cơ sở, qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy cao nhất năng lực của người đứng đầu thôn, khu phố, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Từ quá trình này, nhiều địa phương đã tổng kết: Khâu quan trọng nhất là lựa chọn cán bộ và chế độ chính sách kèm theo. Người đảm nhiệm chức danh này phải có năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành, có khả năng bao quát công việc…
Cùng với thành tựu được khẳng định, hiện mô hình tổ chức cũng như công tác tuyển chọn cán bộ ở thôn, khu phố tại nhiều địa phương đang vẫn còn bất cập, chưa thống nhất, hiệu quả hoạt động chưa cao, đặt ra yêu cầu đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện về thể chế, cách thức hoạt động và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở thôn, khu phố. Vì vậy, để thực hiện và duy trì tốt hoạt động ở thôn, khu phố có thể vận dụng một số giải pháp sau đây:
Một là, tuyển chọn những người có đủ phẩm chất chính trị, năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nhiệt tình, có khả năng vận động quần chúng nhân dân ở khu dân cư làm cán bộ chủ chốt ở thôn, khu phố.
Hai là, quy hoạch cán bộ chủ chốt các thôn, khu phố đối với các chức danh Trưởng thôn, Trưởng khu phố bảo đảm về cơ cấu, tiêu chuẩn, nhất là năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đảm bảo có tầm nhìn xa, tạo sự chủ động về bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ khu phố, qua đó đã khắc phục tình trạng hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ khu phố chưa được thường xuyên, liên tục.
Ba là, có cơ chế để tạo nguồn cán bộ trẻ làm Trưởng thôn, Trưởng khu phố. Vì hiện nay, các chi bộ ở thôn, khu phố, đảng viên đa số tuổi cao, vì vậy khó giới thiệu được đảng viên tuổi trẻ để nhân dân bầu làm Trưởng thôn, Trưởng khu phố. Bên cạnh đó đa số các thôn, khu phố hiện nay, thanh niên đến tuổi trưởng thành phần lớn vào đại học và đi làm kinh tế, sau khi tốt nghiệp đại học ít trở về công tác ở địa phương
Bốn là, cần phải sửa đổi cơ chế, chính sách tiền lương, nâng mức phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt ở thôn, khu phố nhằm nâng cao thu nhập, đảm bảo mức sống ổn định nhằm tạo động lực để cán bộ yên tâm công tác.
Năm là, bố trí nguồn kinh phí đào tạo đối với cán bộ trẻ đã được quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương.
Sáu là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở khu dân cư, cũng như kịp thời động viên, khen thưởng nếu người đứng đầu các tổ chức làm tốt, qua đó phát huy tính chủ động, tích cực hơn trong hoạt động ở thôn, khu phố./.