Những dấu mốc thay đổi địa danh, hành chính của Bắc Ninh giữa các triều đại qua Di sản tư liệu thế giới
Bắc Ninh - Kinh Bắc là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Dù trải qua nhiều lần được chia tách, sáp nhập và thay đổi về tên gọi, ranh giới địa lý, tỉnh Bắc Ninh vẫn luôn khẳng định được mình là vùng đất ngàn năm văn hiến có nền kinh tế, văn hóa phát triển và cũng là địa bàn quân sự trọng yếu của đất nước. Những dấu mốc quan trọng trên chặng đường lịch sử từ thời sơ sử cho đến Triều Nguyễn đã được phản ánh rõ nét qua những trang tài liệu cổ, quý hiếm như Mộc bản, Châu bản - Di sản tư liệu thế giới.
Nằm trong khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi chép về vùng Kinh Bắc từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời Minh Mệnh như sau: “đời Hùng Vương xưa, Kinh Bắc thuộc bộ Vũ Ninh; nhà Tần, thuộc đất Tượng quận; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu….”. Sau ngàn năm Bắc thuộc, vùng đất này có nhiều lần thay đổi về địa giới, đơn vị hành chính và tên gọi: “Nhà Đinh đổi làm Bắc Giang đạo; nhà (Tiền) Lê đổi làm lộ; nhà Lý theo như nhà (Tiền) Lê; nhà Trần gọi là Bắc Giang lộ, lại gọi là Kinh Bắc lộ”. Đến năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia trong nước làm 12 đạo thừa tuyên, lúc này Bắc Ninh thuộc Thừa tuyên Bắc Giang.
Năm 1469, vua Lê Thánh Tông cho đổi thừa tuyên Bắc Giang thành thừa tuyên Kinh Bắc quản lĩnh 4 phủ: “Phủ Từ Sơn quả lĩnh 5 huyện: Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du, Võ Giàng và Quế Dương; phủ Thuận An quản lĩnh 5 huyện: Gia Lâm, Siêu Loại, Văn Giang, Gia Định và Lương Tài; phủ Bắc Hà quản lĩnh 3 huyện: Kim Hoa, Hiệp Hòa và Yên Việt; phủ Lạng Giang quản lĩnh 6 huyện: Phượng Nhãn, Hữu Lũng, Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn” (theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 12, mặt khắc 5). Năm 1490, thừa tuyên Kinh Bắc lại đổi thành xứ Kinh Bắc.
Đến triều Nguyễn, Bắc Ninh được xem là một trong năm địa phương có diện tích rộng lớn ở phía Bắc, giữ vị thế chiến lược quan trọng đối với sự phồn thịnh của dân tộc. Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn lập ra triều Nguyễn, vua Gia Long ấn định các đơn vị hành chính trực thuộc trấn Kinh Bắc: “Trấn Kinh Bắc 4 phủ là Thuận An, Từ Sơn, Lạng Giang, Bắc Hà; 20 huyện là Gia Lâm, Văn Giang, Gia Định, Siêu Loại, Lương Tài, Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng, Yên Dũng, Yên Thế, Bảo Lộc, Phượng Nhãn, Lục Ngạn, Hữu Lũng, Kim Hoa, Yên Việt, Hiệp Hòa, Thiên Phúc” (theo Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 17, mặt khắc 19).
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 17, mặt khắc 19 ghi về việc vua Gia Long ấn định các đơn vị hành chính trực thuộc trấn Kinh Bắc
Năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mạng đã cho đổi trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh, danh xưng Bắc Ninh bắt đầu xuất hiện từ đây. Năm Tân Mão (1831), trong cuộc cải cách hành chính toàn diện đất nước, vua Minh Mạng đã cho đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Trấn Bắc Ninh được đổi thành tỉnh Bắc Ninh và năm 1832 chính thức gồm 4 phủ là Từ Sơn, Thiên Phúc, Thuận An và Lạng Giang (theo Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 36, mặt khắc 35).
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh còn có nhiều lần chia, tách, sáp nhập các đơn vị hành chính thể hiện qua các bản tấu Châu bản và Mộc bản khác như: Bản tấu ngày 13/12/1851 của Bộ lại về việc tỉnh Bắc Ninh xin cho huyện Bảo Lộc nhập vào huyện Phượng Nhãn, Hiệp Hòa nhập vào huyện Thiên Phúc, huyện Yên Dũng nhập vào huyện Việt Yên, huyện Gia Bình nhập vào huyện Lương Tài, huyện Võ Giàng nhập vào huyện Quế Dương; vua Tự Đức cho đổi 4 tổng của huyện Lục Ngạn sang phủ Lạng Giang thuộc tỉnh Bắc Ninh (1870); đặt thêm huyện Đông Anh thuộc phủ Từ Sơn; điều chuyển một số huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh về tỉnh Thái (Thái Nguyên - năm 1880)…
Với nhiều tư liệu Mộc bản, Châu bản quý giá được lựa chọn, trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Bắc Ninh sẽ giúp công chúng hiểu rõ về những dấu mốc lịch sử dưới thời phong kiến của tỉnh Bắc Ninh.
Bên cạnh khối tư liệu Mộc bản, Châu bản về những dấu mốc lịch sử Bắc Ninh từ sơ sử cho đến Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Bắc Ninh còn đang lưu giữ nhiều tư liệu ảnh Mộc bản, Châu bản về các di tích gắn liền với cội nguồn dân tộc và lưu danh những người con ưu tú của Bắc Ninh từ những bậc đế vướng có công khai mở nền văn minh Đại Việt đến những anh hùng, hào kiệt, danh nhân tiêu biểu. Cùng với đó là hơn 70 bức ảnh về phong cảnh, đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Ninh thời kỳ trước năm 1945…
Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu ảnh trên, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.