Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh

14/06/2018 08:58 View Count: 60

Ngày 11 tháng 6 năm 2018, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 301/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Ninh (sau đây gọi là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Trung tâm chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Tư pháp và sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.

Trung tâm có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trung tâm có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý bao gồm: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố trong các lĩnh vực pháp luật (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại) cho người được trợ giúp pháp lý trong phạm vi quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;

Đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý; phối hợp với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác để xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý;

Bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuộc Trung tâm gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý;

Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết, truyền thông về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương với cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý;

Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp về trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền;

Kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 36 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;

Giúp Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng, đủ điều kiện; cung cấp thông tin giúp Sở Tư pháp công bố danh sách các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

Phân công trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn người tập sự trợ giúp pháp lý và xác nhận việc tập sự trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;

Quản lý, hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

Thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý;

Quản lý cán bộ, viên chức, tài chính, tài sản và cơ sở vật chất của Trung tâm theo quy định của pháp luật;

Đề xuất việc khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương;

Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác do UBND tỉnh hoặc Giám đốc Sở Tư pháp giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm.

Về cơ cấu tổ chức: Trung tâm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc. Giám đốc Trung tâm, các Phó Giám đốc Trung tâm phải là Trợ giúp viên pháp lý. Các phòng của Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo tinh gọn, thiết thực, hiệu quả.

Về cơ chế tài chính: Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Lê Đăng Chính

bn-current-user-online-portlet

Online : 3587
Total visited : 151108259