Thành cổ Bắc Ninh qua Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn
Thành cổ Bắc Ninh - ngôi thành độc đáo đã trở thành di tích lịch sử tiêu biểu của xứ Quan họ, nơi hội tụ truyền thống lịch sử và văn hiến của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc. Thành cổ đã được các đời vua nhà Nguyễn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo xây đắp, tôn tạo.. và khắc ghi trong Mộc bản, Châu bản Triều Nguyễn.
Ngôi thành ban đầu được đặt tại xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng. Theo Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 13, năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long cho dời Thành Trấn Kinh Bắc đến xã Lỗi Đình: “Dời dựng thành trấn Kinh Bắc đến Lỗi Đình (tên xã, thuộc huyện Tiên Du)”, tức vị trí hiện nay.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 13
Lúc đầu, thành Bắc Ninh chỉ được đắp bằng đất. Sách Bắc Ninh tỉnh Dư địa chí chép về thành Bắc Ninh vào năm Gia Long thứ 14 (1815) như sau: “Thành xây năm Ất Sửu, chu vi 1 ngàn 77 tầm, 3 thước. Ngoài thành có hào nước vây quanh, có 3 cửa: trước, sau, bên phải, mở ra năm Ất Sửu. Cửa thành trên vuông, dưới vuông, hai bên xây tường đất, gạch, đá lẫn nhau. Trên xây các tòa nhà, đều lợp ngói. Cửa bên trái xây vào khoảng năm Giáp Tuất. Cửa ấy trên vuông, dưới vuông, hai bên vách đứng và trên mảnh đất ấy xây đài (nhà dài) 3 gian, lợp bằng rạ” (1)
Cho tới năm Minh Mạng thứ 6 (1825), thành được xây lại bằng đá ong. Ngày 07 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), Tổng Trấn Bắc Thành Lê Tông Chất làm bản tấu về việc phái thêm binh lính xây dựng thành trấn Bắc Ninh và Hải Dương. Đến ngày 10 tháng 9 cùng năm, Tổng trấn này tiếp tục làm bản tấu về việc phát gạo đổi lấy đá ong xây thành ở Trấn Bắc Ninh, Hải Dương để giảm bớt khó khăn cho dân thuộc hạt.
Bản tấu ngày 07 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824)
Bản tấu ngày 10 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824)
Mộc bản sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 23, mặt khắc 6 cũng ghi chép lại về việc quan tỉnh xin xây đắp thành này năm 1824: “Quan ở Bắc Thành là Lê Chất tâu nói: Thành của hai trấn Hải Dương và Bắc Ninh phần nhiều bị sạt lở, xin nhân vào thời gạo kém, thuê dân để xây đắp. Vua nghe theo lời tâu”.
Mộc bản sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 23, mặt khắc 6
Đến năm 1840, thành Bắc Ninh do mưa nhiều bị sạt lở nên một lần nữa xây đắp lại. Sự kiện này được ghi chép lại trong Mộc bản sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 23, mặt khắc 47 như sau: “Xây lại thành tỉnh Bắc Ninh. Trước đây thành ấy vì mưa nhiều sạt lở, quan tỉnh ấy xin xây đắp lại. Nay vua chuẩn cho họp hết binh lính ở trong tỉnh và thuê thêm dân phu để làm việc, hơn 1 tháng xong việc”.
Mộc bản sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 23, mặt khắc 47
Việc xây đắp thành Bắc Ninh tiếp tục được tiến hành dưới thời Thiệu Trị. Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị cho “xây thành tỉnh Bắc Ninh. Thưởng cho Hộ đốc là Nguyễn Đăng Giai được thăng 1 cấp” (theo Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 8, mặt khắc 7).
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 8, mặt khắc 7
Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, thành Bắc Ninh có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, nằm trong tuyến phòng thủ phía Bắc, bảo vệ Thủ đô, ngăn chặn các đạo quân xâm lược trước cửa ngõ Kinh thành Thăng Long. Đây cũng là một trung tâm chính trị, quân sự, là lỵ sở của trấn Kinh Bắc. Thành cổ Bắc Ninh cũng là nơi ghi dấu những sự kiện gắn với quá trình phát triển của tỉnh và phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Ninh do Đảng ta lãnh đạo.
Hiện nay toàn bộ khuôn viên thành cổ Bắc Ninh do Trường Sĩ quan chính trị (trực thuộc Bộ Quốc phòng) quản lý, sử dụng. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Thành cổ Bắc Ninh là một di sản văn hóa quý báu của nhân dân Bắc Ninh cần được bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị.
Có thể nói, những thông tin từ Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn là tài sản quý giá, không thể bỏ qua khi muốn tìm hiểu về di tích đặc biệt này. Ngoài ra, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Bắc Ninh còn đang lưu giữ hơn 70 ảnh về phong cảnh, đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Ninh thời kỳ trước năm 1945, trong đó có một số ảnh về thành cổ Bắc Ninh.
Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu trên, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.
Tài liệu tham khảo:
1. Tư liệu lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm; ký hiệu A.590