Thủ tướng Chính phủ: Tạo đột phá cải cách hành chính trong năm 2022
Sáng ngày 09/3, kết luận Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu trong năm 2022 là phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp
Sau khi nghe Báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trình bày và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao dự thảo báo cáo, các ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm, phản ánh khách quan tình hình thực tế. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ chắt lọc, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các dự thảo báo cáo, quy chế, kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, trong năm 2021, trên tinh thần có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, kế thừa và phát huy kết quả của những năm trước, Ban Chỉ đạo đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý cho công tác cải cách hành chính; nghiên cứu, cắt giảm quy trình, thủ tục hành chính để đơn giản, gọn nhẹ, thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính thực chất, hiệu quả hơn; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu trong hệ thống các cơ quan hành chính, được Nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Chỉ số về cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2021 trong Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 6 bậc.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã có nhiều cố gắng với nhiều điểm sáng trong công tác cải cách hành chính năm 2021.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thẳng thắng chỉ rõ, công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp; vẫn còn những băn khoăn về "giấy phép con"; việc đầu tư cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính có nơi, có lúc còn hạn chế, thiếu quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, những hạn chế này có nguyên nhân từ cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, xuất phát từ nhận thức, sự quyết liệt, cố gắng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của người đứng đầu các cấp hành chính. Đây là nguyên nhân rất cơ bản vì cải cách hành chính liên quan tới thể chế, tổ chức, bộ máy, con người và việc vận hành, nguồn lực đầu tư, quy trình, thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, mục tiêu trong năm 2022 là phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm là “đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển” và việc đầu tư này phải tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt việc đó. Phương châm là "đã nói là phải làm", thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.
Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia
Quang cảnh Phiên họp
Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính năm 2022 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ, cụ thể:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính.
Thứ hai, đối với cơ quan, đơn vị, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với đầu tư và phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhất quán từ Trung ương tới địa phương.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về cải cách hành chính, thẩm quyền thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp nào, bộ, ngành, địa phương nào thì cấp đó, bộ ngành, địa phương đó chủ động giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền thì mạnh dạn báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định, kiên trì vì mục tiêu chung.
Thứ tư, cải cách hành chính phải góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia nói chung và của các cấp hành chính, các bộ, ngành, các địa phương nói riêng, phải căn cứ vào điều kiện thực tế của Việt Nam; đồng thời, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Thứ năm, rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy trình, quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.
Thứ sáu, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ trực tuyến, nhất là 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết hợp hiệu quả giữa hình thức làm việc trực tuyến và trực tiếp; nghiên cứu những mô hình, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp không phải mất thời gian đi lại nhiều lần.
Thứ bảy, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương khóa XII để vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, vừa nâng cao năng lực hiệu quả điều hành. Xác định một việc chỉ giao một cơ quan, một người làm, chịu trách nhiệm và cơ quan nào, người nào làm tốt nhất thì giao việc, tránh giao thoa, không để chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, giảm cấptrung gian, làm tốt công tác xác định vị trí việc làm, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Thứ tám, đầu tư thỏa đáng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về cải cách hành chính phù hợp với điều kiện, hệ thống chính trị của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng sáng tạo, bao đảm việc đánh giá dân chủ, chính xác, khách quan, công bằng.
Thứ chín, huy động sự đóng góp của xã hội, người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phục vụ.
Thứ mười, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo tiến độ, chất lượng, không gây phiền hà; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, tham khảo các bài học tốt, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; huy động nguồn lực quốc tế cho công tác cải cách hành chính.