Trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B

24/05/2024 10:40 View Count: 28

Sáng ngày 24/5, Trung tâm Lưu trữ lịch sử đã tiến hành trao trả hồ sơ cán bộ đi B cho ông Trương Văn Mạnh - thân nhân cán bộ đi B (ông Trương Minh Tân), thành phần hồ sơ bao gồm: bản sao Sơ yếu lý lịch, Thẻ cán bộ, Giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn, đơn đề nghị nâng bậc lương. Để hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trở về với chính chủ nhân là một hoạt động hết sức cần thiết, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.


Đồng chí Dương Thành Trung - Phó Giám đốc Trung tâm trao trả hồ sơ cho thân nhân cán bộ đi B

Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B là toàn bộ hồ sơ hồ sơ, giấy tờ, kỷ vật được hình thành trong quá trình hoạt động của cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác (gọi là đi B) và từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam. Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B gồm nhiều loại khác nhau ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân, còn có rất nhiều loại kỷ vật. Mỗi một thành phần, nội dung giấy tờ, kỷ vật là một phần, một mảnh ghép ký ức của cán bộ đi B. Năm 2016, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hơn 600 bản sao chứng thực hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Bắc Ninh. Trong thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ lịch sử đã trao trả được 06 bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B.

Khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B là nguồn tài liệu quý giá và có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phản ánh hoạt động của một cơ quan, tổ chức trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn chứa đựng những kỷ vật thiêng liêng của các cá nhân đi B. Việc trao trả hồ sơ, kỷ vật thể hiện sự tôn vinh, tri ân đối với những người đã có cống hiến, hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài giá trị về mặt tinh thần, những hồ sơ này còn có giá trị pháp lý để làm căn cứ thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ lịch sử sẽ tiếp tục giới thiệu rộng rãi khối hồ sơ, kỷ vật này nhằm thông tin để cán bộ đi B và người thân sớm biết được và nhận lại hồ sơ, kỷ vật của mình.

Nguyễn Thị Ngọc Mai

bn-current-user-online-portlet

Online : 4449
Total visited : 150711819