Sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ
Ngày 01/10/2014, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 09/2014/TT-BNV hướng dẫn về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ. Thông tư ra đời đã tạo được hành lang pháp lý quan trọng đối với việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, một số điều của Thông tư số 09/2014/TT-BNV quy định việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ cần phải sửa đổi cho phù hợp với quy định của Luật Lưu trữ năm 2011. Do đó, ngày 14/7/2020, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BNV về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2014/TT-BNV ngày 01/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ. Theo đó, một số quy định về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ được sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất, về “Phạm vi điều chỉnh”, quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm: hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ; trách nhiệm của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ và sử dụng dịch vụ lưu trữ.
Thứ hai, về tổ chức kiểm tra và cấp Giấy Chứng nhận kết quả kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ, Thông tư số 02/2020/TT-BNV quy định mới về thành phần “Hồ sơ đăng ký kiểm tra”. Theo đó, hồ sơ đăng ký kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ bao gồm:
- Bản sao có chứng thực Bằng tốt nghiệp chuyên ngành và Chứng chỉ bồi dưỡng phù hợp với lĩnh vực hành nghề (nếu có) hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.
- Giấy xác nhận thời gian làm việc từ đủ 05 năm trở lên trong lĩnh vực lưu trữ của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân đã làm việc.
- 02 ảnh 2 x 3 cm (thời hạn không quá 6 tháng, kể từ ngày chụp đến ngày đăng ký).
Thứ ba, hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm:
- Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau:
+ Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức).
+ Hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
+ Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức).
+ Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
- Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).
- Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ tư, trách nhiệm của Sở Nội vụ trong công tác quản lý nhà nước về lưu trữ:
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ của tổ chức, cá nhân theo quy định. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động dịch vụ lưu trữ và sử dụng Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ trên địa bàn quản lý.
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân hành nghề lưu trữ theo thẩm quyền.
- Báo cáo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thuộc Bộ Nội vụ về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ thuộc thẩm quyền và tình hình hoạt động dịch vụ lưu trữ trên địa bàn quản lý từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 15 tháng 01 năm kế tiếp của năm báo cáo. Nội dung báo cáo theo Phụ lục III Thông tư số 09/2014/TT-BNV
Thông tư số 02/2020/TT-BNV cũng bãi bỏ Điều 6, Điều 8, Điểm b Khoản 2 Điều 11 và biểu mẫu số 7, 8, 9 tại Phụ lục I của Thông tư số 09/2014/TT-BNV
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2020.