Chỉ có một con đường là ký số thay vì ký giấy
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Trục liên thông văn bản Quốc gia là kết quả bước đầu, mục tiêu đặt ra là cung cấp dịch vụ đến tận người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, nhất định chỉ có một con đường ký số thay vì ký giấy văn bản.
Dự kiến trong quý IV/2019, VDXP sẽ mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Hệ thống tham vấn chính sách (e-consultation), Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-cabinet) và các hệ thống thông tin khác, cũng như kết nối, chia sẻ dữ liệu liên ngành, góp phần hiện thực hóa lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số trong tương lai không xa.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang là đơn vị quyết tâm đi đầu trong giải quyết hồ sơ trên nền điện tử, thực hiện Văn phòng Chính phủ phi giấy tờ. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại Văn phòng Chính phủ được xây dựng và phát triển, triển khai tới 100% cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ theo một quy trình xử lý hoàn chỉnh, khép kín và bảo mật cao. Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc phiên bản thiết bị di động được tích hợp giải pháp chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ, giúp lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên thiết bị di động một cách nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc mọi nơi, thậm chí ngay trong các cuộc họp hay các chuyến đi công tác.
Tại Hội nghị Sơ kết triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước được tổ chức mới đây, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh Trục liên thông văn bản Quốc gia mới là kết quả ban đầu, mục tiêu đặt ra là cung cấp dịch vụ đến tận người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, nhất định chỉ có một con đường ký số thay vì ký giấy văn bản.
Bổ sung quy chế, chế tài khi sử dụng văn bản điện tử
Trong thời gian 8 tháng triển khai quyết liệt, công tác gửi, nhận văn bản điện tử đã có những bước phát triển vượt bậc. Đây là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, tạo ra một nền tảng thông suốt và duy nhất nhằm tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin các cấp, đóng vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, từ ngày 01/3/2019 đến ngày 28/3/2019, đã có 10.827 văn bản gửi, 30.374 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản Quốc gia.
Từ ngày 21/3/2019, Văn phòng Chính phủ đã ký số toàn bộ văn bản điện tử (trừ văn bản hệ mật) phát hành trên Trục liên thông văn bản Quốc gia, đến nay đã có 2.056 văn bản điện tử được ký số phát hành.
Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, trước đây, chúng ta chưa có ký số trên thiết bị di động mà mới chỉ ký trên máy để bàn. Giải pháp ký số trên thiết dị di động Ipad đã được Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Viettel triển khai từ 3 năm nay.
Việc triển khai chữ ký số chỉ là một bước đi ban đầu của Ban Cơ yếu Chính phủ trong vấn đề bảo đảm bảo mật, an toàn cho Chính phủ điện tử. Trong thời gian tới, Ban cơ yếu Chính phủ tiếp tục triển khai các vấn đề về mã hoá dữ liệu cũng như các vấn đề liên quan đến phòng chống mã độc…
Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần có đề xuất cụ thể hơn nữa về nhu cầu chữ ký số để Ban Cơ yếu Chính phủ chủ động trong chuẩn bị thiết bị, kỹ thuật, bảo đảm hạ tầng… Bên cạnh đó, trong việc gửi, nhận văn bản điện tử cần bổ sung những quy chế, chế tài khi sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy, thậm chí có những vấn đề phải đưa ra trước cơ quan pháp luật.
Bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số được thông suốt
Theo bà Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tích cực triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các Bộ, ngành, địa phương chưa chuẩn hoá thông tin phản hồi trạng thái xử lý văn bản theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; còn chưa có thói quen xử lý văn bản trên môi trường mạng; văn thư có thói quen nhận văn bản giấy nhập thủ công trên hệ thống…
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Văn phòng Chính phủ đề nghị thời gian tới các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, phát triển Trục liên thông văn bản Quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đưa vào vận hành năm 2019 và tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2020 - 2025.
Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp với Văn phòng Chính phủ giám sát, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống Trục liên thông văn bản Quốc gia theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg. Ban Cơ yếu Chính phủ chủ động hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương tích hợp chữ ký số trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, ký số văn bản điện tử được gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản Quốc gia.
Bộ Nội vụ hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương quy trình ký số văn bản điện tử tại Thông tư số 01/2016/TT-BNV để bảo đảm tính toàn vẹn của nội dung văn bản khi văn thư cấp số, thực hiện ký số cơ quan để ban hành văn bản điện tử và nghiệp vụ lưu trữ điện tử tại các cơ quan hành chính Nhà nước; sửa đổi, bổ sung Quy chế tiếp nhận, xử lý văn bản điện tử phù hợp với Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Thông tư số 01/2016/TT-BNV và Thông tư số 02/2016/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel tiếp tục hoàn thiện phần mềm Trục liên thông văn bản Quốc gia, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số được thông suốt, tích hợp các tính năng cảnh báo về việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số cho các đơn vị chưa nhận được văn bản điện tử khi gặp vấn đề về kỹ thuật xảy ra.
Thời gian tới, khối lượng công việc sẽ rất nhiều, nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, trong khi nguồn lực còn hạn chế, vì vậy, rất cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị để triển khai gửi, nhận văn bản điện tử có ký số thay thế văn bản giấy theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, phát triển Trục liên thông văn bản Quốc gia làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, trước hết kết nối với các hệ thống thông tin của Văn phòng Chính phủ, đây cũng là nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP.