Một số tư liệu về di tích lịch sử Đền Đô
Được xây dựng vào thế kỷ XI, di tích lịch sử Đền Đô đã được thể hiện trong nhiều tài liệu quý. Trong Mộc bản Triều Nguyễn, câu chuyện về Đền Đô được khắc lại một cách chi tiết, cụ thể.
Đền Đô được dựng trên mảnh đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha, từ đó Đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
Tại đây thờ phụng 8 vị vua nhà Lý, những bậc minh quân đã khai mở nền văn minh Đại Việt gồm: Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ), Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông.
Thời nhà Nguyễn trị vì đất nước, các vua Nguyễn đã dành sự quan tâm đặc biệt cho di tích này. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 22, mặt khắc 17 ghi chép về việc Vua Gia Long cho định số lượng miếu phu ở Đền Đô năm Quý Hợi (1803): “Đặt miếu phu cho các miếu lịch đại đế vương, đều lấy dân sở tại sung vào:… miếu các vua triều Lý 243 người (xã Đình Bảng, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc).
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 22, mặt khắc 17
Đến năm 1840, vua Minh Mệnh cho lập bia đá ở Đền Đô: “Bộ Lễ tâu nói: tỉnh Bắc Ninh tư rằng: xã Đình Bảng hạt ấy có lăng tẩm các vua triều Lý, nhưng chỗ nào là lăng vua sự tích không rõ. Và các lăng Kinh Dương Vương, Sỹ Vương, có nên theo ân chiếu tu lý dựng bia hay không? Vua nói: tên lăng các vua triều Lý đã không xét vào đâu được, lại cùng một chỗ cấm địa. Nên chiểu chỗ lăng, thuê dân sửa đắp cho chỉnh đốn, rồi chọn chỗ đất cao ráo lập một tấm bia đá, trong bia khắc mấy chữ “Lý triều chư đế lăng”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 215, mặt khắc 8,9 về việc vua Minh Mệnh cho lập bia đá ở Đền Đô năm 1840
Năm Giáp Tuất (1874), Vua Tự Đức cho định điển lễ thờ tự ở Đền Đô: “Định lại điển lễ thờ tự miếu đế vương các triều đại ở các địa phương… Các vị thờ chung: miếu các vua triều Lý ở xã Đình Bảng, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, đồng niên cấp tiền 100 quan, miếu phu 25 tên”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 52, mặt khắc 6,7
Có thể thấy, trong khối Mộc bản triểu Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới vẫn còn lưu những bản khắc về sự quan tâm đặc biệt của các vua triều Nguyễn dành cho Đền Đô là điều hết sức quý giá.
Bên cạnh khối tư liệu Mộc bản triều Nguyễn về di tích lịch sử Đền Đô, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Bắc Ninh đang lưu giữ nhiều tư liệu ảnh Mộc bản, Châu bản về những dấu mốc lịch sử Bắc Ninh từ sơ sử cho đến Triều Nguyễn, các di tích khác gắn liền với cội nguồn dân tộc và lưu danh những người con ưu tú của Bắc Ninh từ những bậc đế vương có công khai mở nền văn minh Đại Việt đến những anh hùng, hào kiệt, danh nhân tiêu biểu. Cùng với đó là hơn 70 bức ảnh về phong cảnh, đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Ninh thời kỳ trước năm 1945.
Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu ảnh trên, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.