Quy định mới về công chức chuyên ngành văn thư
Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Theo đó, nhiều quy định mới về công chức văn thư khi Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2021.
Thứ nhất, thay đổi yêu cầu và nâng thời gian giữ ngạch cũ để nâng ngạch mới
Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 30 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, để được thi nâng ngạch công chức, công chức phải đáp ứng điều kiện về thời gian công tác tối thiểu với từng ngạch theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch đó; Công chức chuyên ngành văn thư được thi nâng ngạch thì cũng phải đáp ứng yêu cầu về thời gian tối thiểu giữ ngạch ở trước liền kề.
Theo quy định mới, nếu muốn thi lên ngạch văn thư chính thì không còn cần phải kèm theo điều kiện về việc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất một văn bản quy phạm pháp luật hoặc một đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh, cấp huyện được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu hoặc sáng kiến được công nhận như quy định cũ. Đồng thời, tăng thời gian giữ ngạch văn thư viên hoặc tương đương lên đủ 09 năm so với quy định trước chỉ yêu cầu đủ 05 năm trong đó có đủ 03 năm giữ ngạch văn thư viên.
Về việc nâng ngạch lên ngạch văn thư viên thì quy định mới đã chia rõ theo trình độ đào tạo để yêu cầu thời gian giữ ngạch văn thư trung cấp khác nhau. Trong khi đó, quy định cũ chỉ nêu một mốc thời gian cố định là đủ 03 năm.
Thứ hai, công chức văn thư không còn yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà nước và nghiệp vụ ngạch văn thư
Trước đây, theo Thông tư số 14/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành văn thư, trong tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức chuyên ngành văn thư ngạch nào cũng yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc nếu là vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thì phải có chứng chỉ tiếng dân tộc và chứng chỉ tin học; ngoài ra cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà nước và nghiệp vụ ngạch văn thư.
Tuy nhiên, từ ngày 01/8/2021, ngày Thông tư 02/2021/TT-BNV có hiệu lực thì công chức văn thư không còn yêu cầu các loại chứng chỉ này nữa.
Thay vào đó, công chức chuyên ngành văn thư phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cũng như sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc ở trình độ tương đương với vị trí việc làm.
Thứ ba, thay đổi quy định xếp lương công chức văn thư trình độ cao đẳng
Trước đây, bảng lương công chức văn thư viên chính, văn thư viên, văn thư viên trung cấp được quy định tại Thông tư số 10/2019/TT-BNV ngày 02/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư. Tuy nhiên, điểm mới của Thông tư số 02/2021/TT-BNV là đã quy định xếp lương cho công chức ngạch văn thư viên trung cấp có trình độ cao đẳng. Theo đó, nếu công chức có trình độ cao đẳng trở lên được tuyển dụng vào vị trí việc làm ngạch công chức văn thư viên trung cấp thì được xếp vào bậc 2 của ngạch văn thư viên trung cấp, tương đương hệ số lương bắt đầu là 2,06 - 4,06 mà không phải bắt đầu từ hệ số 1,86.
Nếu có thời gian tập sự thì trong thời gian tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch văn thư viên trung cấp tương đương hưởng 85% mức lương của hệ số 2,06.
Thứ tư, hướng dẫn cụ thể việc chuyển xếp lương công chức chuyên ngành khác sang văn thư
Khoản 2 Điều 15 Thông tư 02/2021/TT-BNV cũng hướng dẫn cụ thể về việc chuyển xếp lương của ngạch công chức chuyên ngành hiện giữ sang các ngạch công chức chuyên ngành văn thư. Việc chuyển xếp lương đối với công chức từ các ngạch công chức chuyên ngành hiện giữ sang các ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư 02/2021/TT-BNV được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Trường hợp công chức có trình độ cao đẳng khi tuyển dụng đã được xếp lương công chức loại A0 theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, khi chuyển xếp vào ngạch văn thư viên trung cấp (mã số 02.008) thì việc xếp bậc lương trong ngạch mới được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định (sau khi trừ thời gian tập sự theo quy định của ngạch) như sau:
Tính từ bậc 2 của ngạch văn thư viên trung cấp, cứ sau thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn).
Trường hợp trong thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì bị kéo dài thêm chế độ nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.
Sau khi chuyển xếp lương vào ngạch văn thư viên trung cấp, nếu hệ số lương được xếp ở ngạch văn thư viên trung cấp cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đã hưởng ở ngạch cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ.
Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian công chức xếp lương ở ngạch văn thư viên trung cấp.
Sau đó, nếu công chức được nâng ngạch thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh được bổ nhiệm khi nâng ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.