Tiếp nhận TTHC thay cho các cơ quan, đơn vị - cách làm mới và táo bạo của Trung tâm hành chính công tỉnh

25/12/2018 11:15 View Count: 61

Trung tâm Hành chính công (TTHCC) tỉnh Bắc Ninh chính thức đi vào hoạt động từ 01/6/2017 đến nay đã cơ bản ổn định tổ chức và hoạt động hiệu quả thể hiện ở một số khía cạnh sau: Thời gian, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) rút ngắn hơn so với quy định; đội ngũ công chức, viên chức được các Sở cử đến làm việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại trung tâm HCC ngày càng chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tình; thái độ, tác phong phục vụ nhân dân được cải thiện đáng kể, không còn hiện tượng sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và tổ chức. Khi có công dân, tổ chức đến giao dịch, cán bộ tiếp nhận hồ sơ thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ, hướng dẫn bổ sung đối với những hồ sơ chưa đầy đủ, tránh tình trạng để công dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, tạo sự tin tưởng, thân thiện, hài lòng của người dân khi tham gia vào các dịch vụ công...

Bên cạnh những ưu điểm đó, qua quá trình vận hành, mô hình Hành chính công cũng bộc lộ một số tồn tại như: Công chức được cử đến làm việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại trung tâm phải giữ chức danh từ Phó trưởng phòng trở lên hoặc được quy hoạch từ chức danh Phó trưởng phòng trở lên, mỗi Sở bố trí 01 công chức chuyên trách và ít nhất 01 công chức bán chuyên trách, nhưng chỉ thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ tại trung tâm không thực hiện nhiệm vụ khác, một số Sở có số TTHC ít phát sinh giao dịch trong khi khối lượng công việc tại cơ quan ngày càng nhiều, phức tạp. Hệ thống phần mềm còn lỗi, chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của tổ chức và công dân; việc phối hợp giải quyết các TTHC liên thông còn khó khăn, chưa hiệu quả; việc kiểm tra, giám sát hoạt động tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa được thực hiện chặt chẽ; cập nhật TTHC, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tại TTHCC cấp huyện chưa được đồng bộ.

Từ những ưu điểm và tồn tại ở trên, việc ủy quyền cho Trung tâm Hành chính công tỉnh đứng ra nhận thay TTHC của các Sở, ngành ít TTHC, TTHC ít phát sinh giao dịch là một chìa khóa quan trọng góp phần phát huy hiệu quả, khắc phục tồn tại của mô hình Hành chính công hiện tại.

Sở Nội vụ và Sở Giáo dục là 02 đơn vị tiên phong hưởng ứng và quyết tâm thực hiện việc ủy quyền cho Trung tâm HCC đứng ra nhận thay TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Hiện nay Sở Nội vụ có 96 TTHC (trong đó: Lĩnh vực tổ chức hành chính sự nghiệp nhà nước: 09 thủ tục; lĩnh vực hội, tổ chức phi chính phủ: 17 thủ tục; lĩnh vực công chức, viên chức 24 thủ tục; lĩnh vực chính quyền cơ sở, địa giới hành chính: 08 thủ tục; lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác thanh niên: 03 thủ tục; lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo: 24 thủ tục; lĩnh vực văn thư – lưu trữ: 03 thủ tục; lĩnh vực thi đua – khen thưởng: 08 thủ tục), Sở Giáo dục và Đào tạo có 66 TTHC (trong đó lĩnh vực Giáo dục đào tạo có 54 thủ tục; lĩnh vực Hệ thống văn bằng, chứng chỉnh: 3 thủ tục; lĩnh vực Giáo dục thường xuyên: 1 thủ tục; lĩnh vực Giáo dục Trung học: 1 thủ tục; lĩnh vực Cơ sở vật chất và thiết bị trường học; lĩnh vực Đi nước ngoài: 1 thủ tục; lĩnh vực Giáo dục Đại học: 2 thủ tục; lĩnh vực Quy ché thi thi, tuyển sinh: 3 thủ tục). Qua thực tế đánh giá, những TTHC này đều không thuộc thủ tục phức tạp, hồ sơ phát sinh không nhiều, hồ sơ phát sinh theo thời điểm… trong khi khối lượng công việc tại cơ quan ngày càng nhiều, phức tạp hơn. Trong năm vừa qua, lĩnh vực Nội vụ, mỗi ngày phát sinh khoảng 2-3 hồ sơ, trung bình mỗi tháng khoảng 100-130 hồ sơ, có những thời điểm cuối năm có thể nhiều hơn ở lĩnh vực Thi đua – Khen thưởng. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo mỗi ngày phát sinh khoảng 3-5 hồ sơ, trung bình mỗi tháng khoảng 120-150 hồ sơ. Như vậy, so với một số Sở như Sở Kế hoạch va Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường… là không nhiều. Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế trên, việc ủy quyền để trung tâm HCC đứng ra nhận thay các TTHC của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo không những góp phần nâng cao cơ chế giám sát, theo dõi, đôn đốc phối hợp giải quyết nhanh, hiệu quả mà còn khắc phục được những vấn đề thực tế đặt ra.

Ngoài ra, với đặc trưng của TTHCC là sự kế thừa, phát triển, thay thế giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trước đây bằng cơ chế mang tính chuyên nghiệp ở cấp độ cao hơn theo nguyên tắc 04 tại chỗ; tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả ngay tại trung tâm, do người của trung tâm đứng ra thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và tạo sự thuận lợi tốt nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện để công chức mà ở đây là lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở chuyên tâm thực hiện việc tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, tiết kiệm nguồn lực, kinh phí. Tăng cơ chế phối hợp lẫn nhau giữa TTHCC tỉnh và Sở để đảm bảo hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả nhanh nhất, tiết kiệm nhất, công dân không phải đi lại nhiều lần.

Nguyễn Huế

bn-current-user-online-portlet

Online : 4669
Total visited : 151071172