Tình hình thay đổi địa giới hành chính ở thị xã Từ Sơn

03/01/2019 16:45 View Count: 1554

Thị xã Từ Sơn được thành lập ngày 24 tháng 9 năm 2008, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Từ Sơn.

 Tên huyện Từ Sơn mới xuất hiện từ đầu thế kỷ XX. Trước đó, huyện có tên là Đông Ngàn. Tên huyện Đông Ngàn có từ thời Trần (thế kỷ XIII). Thời Đinh (970-980) trở về trước gọi là châu Cổ Lãm. Dưới thời Lê Đại Hành (989- 1005) gọi là châu Cổ Pháp. Tháng 8 năm 1010, Lý Thái Tổ đổi thành phủ Thiên Đức. Thời thuộc Minh (1214-1227) gọi là huyện Đông Ngàn thuộc châu Vũ Ninh. Từ thời Lê (thế kỷ XV) đến cuối thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX), huyện Đông Ngàn thuộc phủ Từ Sơn.

  Vào thế kỷ XV, huyện Đông Ngàn có 88 xã và 1 châu. Thời Lê Thánh Tông (1490), huyện có 90 xã. Thời Gia Long (1802-1819) huyện có 13 tổng với 96 xã, thôn, phường:

1. Tổng Hội Phụ có 8 xã: Hội Phụ, Đông Ngàn, Ông Xá, Du Lâm, Tiên Hội, Hoa Lâm, Mai Hiên, Lộc Hà.

2. Tổng Tuân Lệ có 10 xã: Tuân Lệ, Chiêm Trạch, Phương Trạch, Cổ Dương, Tiên Kha, Ngọc Giang, Uy Nỗ, , Uy Nỗ Trung, Vân Trì, Viên Nội (xã Viên Nội phiêu tán năm 1807).

3. Tổng Hà Lỗ có 9 xã thôn: Hà Lỗ, thôn Thiết Úng thuộc xã Thiết Úng, thôn Cổ Châu thuộc xã Thiết Úng, Thiết Bình, Vân Điềm, Lỗ Khê, Hà Vị, Ngô Khê, Thù Lỗ.

4. Tổng Yên Thường có 9 xã, sở: Yên Thường, Trịnh Xá, sở Qui Mông, Xung Quán, thôn Đa Hội thuộc xã Châu Tháp, thôn Đa Vạn thuộc xã Châu Tháp, Đình Vĩ, Song Tháp.

5. Tổng Hạ Dương có 6 xã: Hạ Dương, Ninh Giang, Hiệp Phù, Ninh Xuyên, Công Đình, Phù Ninh.

6. Tổng Dục Tú có 6 xã: Dục Tú, Ngọc Lôi, Đồng Đầu, Thạc Quả.

7. Tổng Mẫn Xá có 6 xã: Mẫn Xá, Quan Đình (trước năm 1803 gọi là Lan Đình), Đông Bích, Thọ Khê, Đông Xuất, Quan Độ ((trước năm 1803 gọi là Lan Độ).

8. Tổng Phù Lưu có 7 xã: Phù Lưu, Đại Đình, Đình Bảng, Trang Liệt, Bính Hạ, Dương Lôi, Thụ Chương.

9. Tổng Xuân Canh có 11 xã thôn: Xuân Canh, Uy Nỗ Thượng, thôn Cầu Kỳ thuộc xã Uy Nỗ Thượng, Vạn Lộc, thôn Văn Thượng thuộc xã Lực Canh, thôn Quán thuộc xã Lực Canh, Mạch Tràng, thôn Cát Lại thuộc xã Phúc Lộc, thôn Lại Nghĩa thuộc xã Phúc Lộc, Xuân Trạch, Kinh Nỗ.

10. Tổng Phù Chẩn có 4 xã: Phù Chẩn, Phù Cảo, Phù Lộc, Phù Luân.

11. Tổng Nghĩa Lập có 8 xã thôn: Nghĩa Lập, Phù Khê, Tiến Bào, Ông Mặc, thôn Thọ Triền thuộc xã Ông Mặc, Hoa Thiều, Đồng Kỵ, Mai Động.

12. Tổng Cổ Loa có 8 xã thôn: Cổ Loa, thôn Thư Cưu thuộc xã Lương Quán, Đường An, Lỗ Giao, Lương Qui, Dục Nội, Gia Lộc, Lương Quán (xã Lương Quán phiêu tán năm 1807, phục hồi năm 1808).

13. Tổng Tam Sơn có 8 xã: Tam Sơn, Vịnh Cầu, Đông Mai, An Từ, Lễ Xuyên, Dương Sơn, Tam Lư, Cẩm Chương.

Từ thời Minh Mệnh trở đi, có một số xã được đổi tên: năm 1823, đổi Ông Mặc là Hương Mặc, năm 1836, đổi Phù Cảo là Phù Tảo; năm 1841, Hoa Thiều đổi là Kim Thiều, Hoa Lâm đổi là Danh Lâm; năm 1848,  Thụ Chương đổi là Xuân Thụ, Cẩm Chương đổi là Cẩm Đường.

Sách “Đồng khánh địa dư chí” (1886) chép huyện Đông ngàn có 13 tổng, 92 xã, thôn, sở, ít hơn thời Gia Long 4 thôn sở là do: thôn Cổ Châu và thôn Thiết Úng hợp nhất trở thành xã Thiết Úng,  xã Hà Khê hợp nhất với xã Thù Lỗ thành một xã lấy tên là xã Lỗ Khê thuộc tổng Hà Lỗ; thôn Đa Hội hợp nhất với thôn Đa Vạn của xã  Châu Tháp thành đơn vị xã gọi là xã Song Tháp, sở Qui Mông được nâng lên cấp xã; tổng Xuân Canh thời Gia Long có 11 xã thôn, đến đây chỉ có 9 thôn, vì thôn cầu Kỳ, Văn Thượng, thôn Quán hợp nhất lại thành xã Lực Canh, thôn Cát Lại hợp nhất với thôn Lại Nghĩa thành một thôn; tổng Nghĩa Lập không thấy chép thôn Thọ Triền như thời Gia Long. Năm 1886 cũng có một số xã được đổi tên: Ngọc Luỹ đổi là Ngọc Lôi, Kinh Lỗ đổi là Cường Lỗ, Phúc Lộc đổi là Vạn Lộc, Mạch Tràng đổi là Mạch Dương,

  Đầu thế kỷ XX, 3 tổng: Tuân Lệ, Xuân Canh, Cổ Loa được cắt khỏi huyện Đông Ngàn để cùng với tổng Kim Anh, 3 xã của tổng Phù Lỗ của huyện Kim Anh và 3 xã của tổng Phương La (huyện Yên Phong) để thành lập huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên (nay là Hà Nội). Từ đây huyện Đông Ngàn còn 10 tổng:

1. Tổng Hội phụ có 8 xã: Hội Phụ, Đông Ngàn, Ông Xá (sau đổi là Đông Xá, rồi lại đổi là Đông Trù), Du Lâm, Tiên Hội, Hoa Lâm, Mai Hiên, Lộc Hà.

2. Tổng Hà Lỗ có 9 xã, thôn: Hà Lỗ, Thiết Úng, Cổ Châu thôn, Ngô Khê, Thù Lỗ, Thiết Bình, Vân Điềm, Hà Vỹ.

3. Tổng Yên Thường có 8 xã, sở: Yên Thường, Trịnh Xá, Hạ Dương, Ninh Giang, Hiệp Phù, Ninh Xuyên, Công Đình, Phù Ninh.

4. Tổng Dục Tú có 4 xã: Dục Tú, Ngọc Lôi, Đồng Đầu, Thạc quả.

5. Tổng Mẫn Xá có 6 xã: Mẫn Xá, Quan Đình, Đông Bích, Thọ Khê, Đông Xuất, Quan Độ.

6. Tổng Phù Lưu có  có 7 xã: Phù Lưu, Đại Đình, Đình Bảng, Trang Liệt, Bính Hạ, Dương Lôi, Thụ Chương.

7. Tổng Phù Chẩn có 4 xã: Phù Chẩn, Phù Tảo, Phù Lộc, Phù Luân.

8. Tổng Nghĩa Lập có 7 xã: Nghĩa Lập, Phù Khê, Tiến Bào, Hương Mặc, Kim Thiều, Đồng Kỵ, Mai Động.

9. Tổng Tam Sơn có 8 xã: Tam Sơn, Vĩnh Cầu, Đông Mai, An Từ, Lễ Xuyên, Dương Sơn, Tam Lư, Cẩm Đường.

10. Tổng Hạ Dương có 6 xã: Hạ Dương, Ninh Giang, Hiệp Phù, Tế Xuyên (thời Gia Long là Ninh Xuyên), Công Đình, Phù Ninh.

  Trước năm 1945, xã Đông Mai và xã Yên Từ của tổng Tam Sơn được chuyển về huyện Yên Phong.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị giải thể, đơn vị hành chính cấp xã cũ được giữ nguyên và trực thuộc huyện Từ Sơn. Năm 1948, các xã mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất các xã nhỏ lại: Trang Hạ (gồm Trang Liệt và Bính Hạ), Ngự Hà, Thiết Hà Châu (gồm Cổ Châu, Hà Khê, Thiết Úng), Khánh Hoa, Thiên Đức, Phúc Sơn (gồm Phúc Tinh và Tam Sơn), Mai Lộc (gồm Mai Hiên và Lộc Hà), Song Đông (gồm Đông Ngàn và Đông Xá), Hoa Mai, Nghĩa Tiến (gồm Nghĩa Lập và Tiến Bào), Lư Vĩnh Xuyên (gồm Tam Lư, Vĩnh Kiều, Lễ Xuyên),...

Ngày 09 tháng 7 năm 1949, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu I ban hành Quyết định số 422pc/2 về việc hợp nhất một số xã của các huyện Từ Sơn, Võ Giàng, Gia Bình. Theo đó, một số xã nhỏ của huyện Từ Sơn được hợp nhất lại: xã Hà Vĩ hợp nhất với xã Ngự Hà lấy tên là xã Liên Hà, xã Thiết Hà Châu hợp nhất với xã Vân Điềm lấy tên là xã Vân Hà, xã Khánh Hoa hợp nhất với xã Trịnh Xá lấy tên là xã Châu Khê, xã Thiên Đức hợp nhất với xã Đình Vĩ Lấy tên là xã Quang Trung, xã Phúc Sơn hợp nhất với xã Dương Sơn lấy tên là xã Liên Sơn, xã Đông Thọ hợp nhất với xã Văn Môn lấy tên là xã Đông Môn, xã Phù Ninh hợp nhất với xã Hạ Dương và xã Công Tề lấy tên là xã Năng Hạ, xã Mai Lộc hợp nhất với xã Du Lâm và xã Danh Lâm lấy tên là xã Mai Lâm, xã Song Đông hợp nhất với xã Tiên Hội và xã Hội Phụ lấy tên là xã Đông Hội, xã Hoa Mai hợp nhất với xã Mai Động lấy tên là xã Minh Đức, xã Nghĩa Tiến hợp nhất với xã Phù Khê lấy tên là xã Nghĩa Tiến Khê, xã Cẩm Đường hợp nhất với xã Lư Vĩnh Xuyên gọi là xã Đồng Nguyên, xã Đồng Kỵ hợp nhất với xã Trang Hạ lấy tên là xã Đồng Quang, xã Dương Lôi hợp nhất với xã Phù Lưu và Đại Đình lấy tên là xã Tân Hồng. Bốn xã được giữ nguyên là Đình Bảng, Dục Tú, Phù Chẩn, Tiền Phong.

Xã Tiền Phong sau đó được cắt về huyện Gia Lâm. Đến ngày 22 tháng 11 năm 1951, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 132-TTg sáp nhập xã Tiền Phong về huyện Từ Sơn.

Tại vùng tạm chiếm, ngày 04 tháng 8 năm 1952, Thủ hiến Bắc Việt ban hành Nghị định số 2963-PTH-NĐ về việc cắt một số xã thôn của quận Từ Sơn về quận Đông Anh. Theo đó các xã thôn sau đây về Đông Anh: Quan Đình, Quan Độ, Mai Động, Hương Mạc, Vân Điềm, Lỗ Khê, Hà Lỗ, Thủ lệ, Thiết Bình, Phù Khê, Nghĩa Lập, Thiết Úng, Cổ Châu, Hà Khê, Hà Vĩ,Thạc Quả, Ngọc Lôi, Đa Hội, Đa Văn, Song Tháp, Đức Tứ, Đông Hậu, Đình Vĩ, Qui Mông, Lộc Hà, Tiên Hội, Hội Phụ, Đông Ngàn, Đông Trù, Danh Lâm.

Ngày 06 tháng 02 năm 1959, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 33-NV về việc thành lập thị trấn Từ Sơn và thị trấn Yên Viên thuộc huyện Từ Sơn.

  Ngày 20 tháng 4 năm 1961, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa II kỳ hợp thứ 2, 10 xã và 1 thị trấn của huyện Từ Sơn được chuyển về Hà Nội, trong đó 5 xã được chuyển về huyện Đông Anh: Liên Hà, Vân Hà, Mai Lâm, Đông Hội, Dục Tú; 5 xã và 1 thị trấn được chuyển về huyện Gia Lâm: Dương Hà, Yên Thường, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Quang Trung và thị trấn Yên Viên.

  Ngày 14 tháng 3 năm 1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 25/QĐ về việc hợp nhất 2 huyện Tiên Du và Từ Sơn thành 1 huyện lấy tên là huyện Tiên Sơn. Cũng theo Quyết định này 2 xã Phú Lâm và Tương Giang của huyện Yên Phong được chuyển về huyện Tiên Sơn (nay xã Tương Giang thuộc thị trấn Từ Sơn, xã Phú Lâm thuộc huyện Tiên Du) và chuyển 2 xã Văn Môn và Đông Thọ của huyện Từ Sơn về huyện Yên Phong.

Ngày 4 tháng 6 năm 1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 84-CP về việc hợp nhất huyện Tiên Sơn và huyện Yên Phong thành một huyện lấy tên là huyện Tiên Phong. Nhưng đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 17-CP phê chuẩn đề nghị của UBND tỉnh Hà Bắc thôi không hợp nhất huyện Tiên Sơn với huyện Yên Phong.

Ngày 11 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ra Nghị định số 68/1999/NĐ-CP tách huyện Tiên Sơn thành 2 huyện lấy tên là huyện Tiên Du và huyện Từ Sơn. Huyện Từ Sơn khi đó có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 10 xã: Đồng Quang, Đồng Nguyên, Đình Bảng, Tân Hồng, Châu Khê, Tam Sơn, Tương Giang, Hương Mạc, Phù Khê, Phù Chẩn và thị trấn Từ Sơn.

Ngày 24 tháng 9 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ 6.133,23 ha diện tích tự nhiên và 143.843 nhân khẩu của huyện Từ Sơn.

Địa giới hành chính thị xã Từ Sơn: Đông giáp huyện Tiên Du, Tây giáp huyện Đông Anh, Nam giáp huyện Gia Lâm (TP Hà Nội), Bắc giáp huyện Yên Phong.

Cũng theo Nghị định trên, thị xã Từ Sơn được Chính phủ cho thành lập   các phường trực thuộc:

- Phường Đông Ngàn: trên cơ sở toàn bộ 29,44 ha diện tích đất tự nhiên và 4.950  của thị trấn Từ Sơn; 25,7 ha diện tích đất tự nhiên và 1.121 nhân khẩu của xã Đồng Nguyên; 39,6 ha diện tích đất tự nhiên và 2.477 nhân khẩu của xã Tân Hồng; 15,1 ha diện tích đất tự nhiên của xã Đình Bảng; 1,2 ha diện tích đất tự nhiên của xã Đồng Quang.

Phường Đông Ngàn có 111,04 ha diện tích đất tự nhiên và 8.548 nhân khẩu; có địa giới hành chính: Đông giáp phường Tân Hồng, Tây giáp phường Trang Hạ, Nam giáp phường Đình Bảng, Bắc giáp phường Đồng Nguyên.

- Phường Đồng Kỵ: trên cơ sở điều chỉnh 334,29 ha diện tích đất tự nhiên và 15.997 nhân khẩu của xã Đồng Quang; có địa giới hành chính: Đông giáp phường Đồng Nguyên, Tây giáp xã Phù Khê, Nam giáp phường Trang Hạ, Bắc giáp xã Hương Mạc.

- Phường Trang Hạ: trên cơ sở 255,69 ha diện tích đất tự nhiên, và 5.510 nhân khẩu của xã Đồng Quang; có địa giới hành chính: Đông giáp phường Đông Ngàn, Tây giáp phường Châu Khê, Nam giáp phường Đình Bảng, Bắc giáp phường Đồng Kỵ..

- Phường Đồng Nguyên: trên cơ sở 688,29 ha diện tích đất tự nhiên và 15.423 nhân khẩu còn lại của xã Đồng Nguyên; có địa giới hành chính: Đông giáp xã Tương Giang, Tây giáp phường Đồng Kỵ, Nam giáp phường Tân Hồng, Bắc giáp xã Tam Sơn.

- Phường Tân Hồng: trên cơ sở 491,20 ha diện tích đất tự nhiên và 11.291 nhân khẩu còn lại của xã Tân Hồng; có địa giới hành chính: Đông giáp huyện Tiên Du, Tây giáp phường Đình Bảng, Nam giáp xã Phù Chẩn, Bắc giáp phường Đông Ngàn.

- Phường Đình Bảng: trên cơ sở 830,10 ha diện tích đất tự nhiên và 16.771 nhân khẩu còn lại của xã Đình Bảng, có địa giới hành chính: Đông giáp phường Tân hồng, Tây giáp huyện Gia Lâm, Nam giáp huyện Ga Lâm (TP Hà Nội), Bắc giáp phường Trang Hạ.

- Phường Châu Khê: trên cơ sở toàn bộ 497,58 ha diện tích đất tự nhiên và 17.905 nhân khẩu của xã Châu Khê; có địa giới hành chính: Đông giáp phường Đình Bảng, Tây giáp huyện Gia Lâm, Nam giáp huyện Gia Lâm (TP Hà Nội), Bắc giáp xã Phù Khê.

Sau khi thành lập, thị xã Từ Sơn có 6.133,23 ha diện tích tư nhiên và 143.843 nhân khẩu; có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 7 phường: Đồng Kỵ, Trang Hạ, Đồng Nguyên, Đình Bảng, Tân Hồng, Châu Khê, Đông Ngàn và 5 xã: Tam Sơn, Tương Giang, Hương Mạc, Phù Khê, Phù Chẩn.

Thành phủ Từ Sơn (cũng là huyện lỵ Đông Ngàn), theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, trước năm 1808 đặt tại xã Vĩnh Kiều. Năm Gia Long thứ 7 (1808) chuyển về xã Thạc Quả, sau đó, rời đến xã Cẩm Chương. Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) mới chuyển đến địa điểm giáp gianh xã Phù Lưu và xã Xuân Thụ. Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) mới đắp thành.  Thành đắp bằng đất, chu vi 208 trượng, mặt thành phía trên rộng 8 thước, dưới rộng 1 trượng 5 thước,  cao 7 thước 7 tấc, hào dài 261 trượng 8 thước rộng 3 trượng 9 thước, mở 3 cửa tiền, tả hữu đều cao 1 trượng 2 thước. Trước tháng 9 năm 2008 đóng ở thị trấn Từ Sơn. Hiện nay, đóng ở trung tâm thị xã Từ Sơn.

Đến ngày 01 tháng 4 năm 2009, thị xã Từ Sơn có 140.536 nhân khẩu (trong đó có 70.629 nam, 69.907 nữ).

Nguyễn Quang Khải

bn-current-user-online-portlet

Online : 3178
Total visited : 150806200