Tình hình thay đổi đơn vị hành chính ở huyện Yên Phong

05/01/2019 10:48 View Count: 1282

Tên huyện Yên Phong có từ thời Trần (Thế kỷ XIII) trở về trước. Thời thuộc Minh (1414-1427) trực thuộc châu Vũ Ninh. Đời Lê Quang Thuận (1460 – 1469) trực thuộc phủ Từ Sơn. Đời Lê Hồng Đức (1470 – 1497) đổi tên là huyện An Phú, sau đó đổi lại là Yên Phong (An Phong).

Theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì ở thế kỷ XV, huyện Yên Phong có 52 xã. Theo bản đồ Hồng Đức (cuối thế kỷ XV), huyện có 53 xã. Đầu đời Nguyễn (đầu Thế kỷ XIX), huyện có 6 tổng với 71 xã, thôn, phường, trang, vạn:

1- Tổng Hương La có 10 xã, thôn, phường: Hương La, Như Nguyệt, Bằng Lâm, Xuân Lôi, thôn Thượng thuộc Yên Phụ, thôn Hậu thuộc Yên Phụ, Đào Xá, Yên vĩ, Yên Tân, phường Thủy cơ Hương La.

2- Tổng Nội trà có 11 xã, thôn: Tiên Trà, thôn Phú Mẫn thuộc xã Nội Trà, thôn Trung Bạn thuộc xã Nội Trà,  thôn Ngô Xá thuộc xã Nội Trà, thôn Nghiêm Xá thuộc xã Nội Trà, Ngân Cầu, Trác Bút, Vong Nguyệt, thôn Nguyệt Cầu thuộc xx Vọng Nguyệt, Đông Xuyên, Đông Lâu.

3- Tổng Dũng Liệt có 12 xã, thôn: thôn Chính Trung thuộc xã dũng Liệt, thôn Dinh Thượng thuộc xã Dũng Liệt, thôn Lương Tân thuộc xã Dũng Liệt, thôn Xuân Hoạch thuộc xã Dũng Liệt (phiêu tán năm 1807, phục hồi năm 1808), Yên Lãng, Hộ Trung, Chân Hộ, Phù Yên, Trần Xá, Phù Cầm, Lương Cầm, thôn Vọng Đông thuộc xã Dũng Liệt.

4- Tổng Mẫn Xá có 12 xã thôn: thôn Mẫn Xá thuộc xã Mẫn Xá, Mẫn Xá (gồm 2 thôn Đại Chu và Chi Long), thôn Ngô Xá thuộc xã Mẫn Xá, Tiên Sơn, Đông Yên, Tam Tảo, Giới Tế, Vĩnh Phục, Tiêu Sơn Thượng, Hồi Quan, Đông Phù, Ân Phú.

5- Tổng Nguyễn Xá có 10 xã, vạn: Nguyễn Xá (năm 1807 phiêu bạt, năm 1808 phục hồi), Lạc Nhuế, Đông Cảo (năm 1836 đổi là Đông Tảo), Đông Xá, Bằng Lục, Diêm Xuyên, Phấn Động, Đại Lâm, Thụ Triền, vạn Đài Bàng.

6- Tổng Châm Khê có 16 xã, thôn, sở, vạn: Châm Khê, Ngô Khê, Khúc Toại, Đặng Xá, Quả Cảm, Đẩu Hàn, Xuân Ái, Hữu Đào, Viêm Xá, Yên Xá, thôn Hạ Đông thuộc sở Đại Cảo, Vạn Phúc, thôn Trung Đông thuộc sở Đại Cảo, thôn Thượng Đồng thuộc sở Đại Cảo, trang Vi Hồng, vạn Yên Ninh.

 Thời Tự Đức (1848 – 1883) huyện có 6 tổng với 69 xã, thôn, trang, vạn và có một số địa danh được đổi tên: năm 1852, Nguyễn Xá đổi là Phong Xá; năm 1843, Thụ Triền đổi là Thọ Đức; năm 1836, Đại Cảo đổi là Đại Tảo, Bằng Lâm đổi là Thư Lâm, Xuân Lôi đổi là Thụy Lôi, Đào Xá đổi là Đào Thục. Hữu Đào đổi là Hữu Chấp, Vi Hồng đổi là Xuân Viên, Năm 1886, trong sách “Đồng Khánh địa dư chí” cũng thấy ghi có 69 xã, thôn, trang sở (không thấy chép phường Thủy cơ Hương La, Hạ Đồng và Trung Đồng). Đầu Thế kỷ XX, tổng Châm Khê được cắt về huyện Võ Giàng, tổng Mãn Xá được thành lập thành 2 tổng riêng, gọi là tổng Ân Phú và tổng Phong Quang.

 Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng Châm Khê lại được trả về cho huyện Yên Phong. Như vậy, ở thời kỳ này (đầu Thế kỷ XX), huyện Yên Phong có các tổng: Phương La (tên cũ là Hương La- có 10 xã, thôn, phường), tổng Nội Trà (có 11 xã), tổng Dũng Liệt (có 12 xã, thôn), tổng Mẫn Xá (có 12 xã, thôn), tổng Nguyễn Xá (có 10 xã, vạn), tổng Châm Khê (có 16 xã, thôn, sở, trang, vạn).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi đơn vi hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, đơn vị hành chính cấp xã được giữ nguyên và trực thuộc huyện Yên Phong. Năm 1948 các xã mới được thành lập trên cơ sở các làng xã thuộc các tổng trước đây.

Ngày 14 tháng 4 năm 1948, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 162-SL về việc giải tán thị xã Bắc Ninh và sửa đổi địa giới như sau: địa hạt thị xã Bắc Ninh và các xã thuộc huyện Võ Giàng ở bên trái đường xe hỏa Hà Nội- Lạng Sơn sáp nhập vào huyện Yên Phong về phương diện hanh chính và kháng chiến.

Ngày 9 tháng 3 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 078-TTg về việc trả về các huyện cũ những thôn sáp nhập vào thị xã Bắc Ninh trong thời kỳ kháng chiến. Theo đó, các thôn Trà Xuyên và Khúc Toại thuộc xã Phong Khê, thôn Thụ Triền thuộc xã Vạn An được trả về huyện Yên Phong.

Theo Nghị định số 158/CQTT ngày 23 tháng 3 năm 1957 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, xã Phong Khê được chia làm 2 xã: xã Phong Khê có các thôn Dương Ổ, Châu Khê, Ngô Khê, Đào Thôn (sau đó đổi là Đào Xá); xã Khúc Xuyên có các thôn Khúc Toại, Trà Xuyên.

 Năm 1963, xã Phú Lâm và xã Tương Giang của huyện Yên Phong được chuyển về huyện Tiên Sơn. Đồng thời cắt 2 xã Đông Thọ và Văn Môn của huyện Từ Sơn về huyện Yên Phong.

Ngày 4 tháng 6 năm 1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 84-CP hợp nhất huyện Tiên Sơn và huyện Yên Phong thành một huyện lấy tên là huyện Tiên Phong. Nhưng đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 17-CP phê chuẩn đề nghị của UBND tỉnh Hà Bắc thôi không hợp nhất huyện Tiên Sơn với huyện Yên Phong.

Ngày 9 tháng 01 năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 5/1998/NĐ-CP về việc thành lập thị trấn Chờ- thị trấn huyện lỵ huyện Yên Phong trên cơ sở toàn bộ 782 ha diện tích đất tự nhiên và 11.320 nhân khẩu của xã Hàm Sơn.

Thực hiện Nghị định số 60/2007/NĐ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Yên Phong, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du để mở rộng thành phố Bắc Ninh. Theo đó, toàn bộ diện tích đất tự nhiên và nhân khẩu của các xã Hòa Long, Vạn An, Khúc Xuyên, Phong Khê, bao gồm 1.963,45 ha và 27.244 nhân khẩu được chuyển về thành phố Bắc Ninh.

Hiện nay, huyện Yên Phong có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 13 xã và 1 thị trấn. Đó là các xã: Trung Nghĩa, Đông Tiến, Đông Thọ, Hoà Long, Hoà Tiến, Dũng Liệt, Khúc Xuyên, Thuỵ Hoà, Yên Trung, Tam Giang, Đông Phong, Tam Đa, Long Châu, Phong Khê, Yên Phụ, Văn Môn, Vạn An, thị trấn Chờ, với 126.648 nhân khẩu (trong đó có 63.002 nam, 63.646 nữ).

Từ năm 1801 trở về trước, huyện lỵ đặt tại  xã Hương La. Năm Gia Long thứ nhất (1802) chuyển về xã Đông Yên tổng Mẫn Xá. Thành đất hình vuông, mỗi chiều 21 trượng, chu vi 84 trượng, cao 3 thước, xung quanh có hào rộng 1 trượng, sâu 4 thước, phía Đông và phía Nam mỗi phía mở một cửa. Từ cuối năm 1945, huyện lỵ chuyển về phố Chờ (nay là thị trấn Chờ).

Nguyễn Quang Khải

bn-current-user-online-portlet

Online : 3169
Total visited : 150806139