Vua Lý Thái Tông với loạn tam vương
Lý Thái Tông là vị Hoàng đế thứ hai nhà Lý trong lịch sử. Trị vì ngôi vua được 26 năm (1028-1054), ông được đánh giá là một vị minh quân, tinh thông Phật học, giàu lòng nhân từ và có tầm nhìn xa trông rộng.
Trung tâm Lưu trữ lịch sử trân trọng giới thiệu tới độc giả một số thông tin giá trị về vị vua Lý Thái Tông thông qua khối tư liệu ảnh Mộc bản Triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Trung tâm.
Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 2 có ghi chép lại như sau: “Lý Thái Tông, tên thật là Phật Mã, lại còn một tên nữa là Đức Chánh (Chính), là con đầu lòng của vua Lý Thái Tổ. Sau khi Lý Thái Tổ lấy được nước và lên làm vua, Lý Thái Tông được lập làm Hoàng thái tử”.
Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 25
Ông nhiều lần được cử làm tướng cầm quân đi dẹp loạn và đều lập được công lớn. Vì thế, triều thần cũng như thần dân lúc bấy giờ rất tôn kính. Khi Vua Lý Thái Tổ qua đời (năm Mậu Thìn, 1028), hai người anh em của Lý Phật Mã là Đông Chinh vương, Võ Đức vương cùng chú ruột là Dực Thánh vương đã đẩy quân làm phản. Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 25 có ghi lại sự kiện “loạn Tam Vương” này: “Đến khi Lý Thái Tổ mất, ba vị vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Võ Đức cùng đốc suất phù binh vào mai phục ở nơi cấm thành, âm mưu làm loạn”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại như sau: “Thuận Thiên năm thứ 19 [1028]. Mùa xuân, tháng 2, Vua Lý Thái Tổ không khoẻ. Đến ngày Mậu Tuất [tức 3/3/1028], Vua băng hà ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin Thái tử Phật Mã vâng di chiếu lên ngôi. Tam vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin, đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục trong cửa Quảng Phúc, cùng đợi Thái tử đến thì đánh úp” (1).
Bấy giờ, “Hoàng thái tử (tức Lý Thái Tông) từ cửa tường phù vào nội diện, đi tới điện Càn Nguyên mới biết có biến cố xảy đến. Thái tử liền sai đóng kín các cửa điện, rồi khiến các vệ sĩ gìn giữ cung điện và phòng bị đối phó với tình hình…” (theo Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 25). Các quan đứng đầu là Lý Nhân Nghĩa xin Thái tử Phật Mã cho đem quân ra thành quyết được thua một trận. Khi quân của Thái tử và quân các vương đối trận, nhờ có Lê Phụng Hiểu trung dũng xông ra chém chết Võ Đức Vương, hai hoàng tử kia bỏ chạy. Dẹp xong loạn Tam Vương, ngày Kỷ Hợi (tức ngày 01/4/1028), Thái tử Phật Mã lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Lý Thái Tông. Về sau, Dực Thánh Tông và Đông Chính Vương xin về chịu tội và được vua tha tội.
Sau 26 năm trị vì, vua Lý Thái Tông được xem là vị vua anh ninh nhân từ và có nhiều đóng góp trong việc dẹp loạn phiến quân, chống lại nguy cơ chia cắt, bạo loạn, xâm lấm, thu phục lòng dân giúp cho đất nước Đại Cồ Việt yên bình và là tiền đề để phát triển vững mạnh ở thời kỳ sau này.
Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn về quá trình hình thành, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và phát triển của tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có về đức vua Lý Thái Tông, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.
Tài liệu tham khảo:
(1): Đại Việt Sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 2