Sông Như Nguyệt qua Mộc Bản
Sông Như Nguyệt (còn được gọi là sông Sông Cầu, sông Nguyệt Đức) là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình.Ven bờ sông Như Nguyệt, người Việt cổ đã cư trú và lập làng từ hàng nghìn năm trước. Nơi đây còn ghi dấu trận chiến oanh liệt chống quân xâm lược Tống, minh chứng hùng hồn cho tinh thần bất diệt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam. Sông Như Nguyệt còn đi vào thơ ca, thân thương được mệnh danh là “con sông của người quan họ”.
Sông Như Nguyệt tất bật với thủy trình, nhộn nhịp với các miền văn hóa. Cũng vì thế, nó là một trong số ít những con sông có nhiều tên gọi nhất của Việt Nam. Dựa theo văn tự ghi lại, sông Như Nguyệt được khai tên lần đầu vào thời Lý với hai tên gọi Phú Lương (từ Bắc Kạn đến Bắc Ninh) và Như Nguyệt (từ Bắc Ninh đổ ra Lục Đầu). Sông Như Nguyệt nổi tiếng với ba con sông huyền thoại khác của vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc cùng mang chữ “đức” đó là sông Đuống - Thiên Đức, sông Thương - Nhật Đức, sông Lục - Minh Đức. Với sự phát triển của Đạo giáo và chiêm tinh học, các dòng sông xứ Bắc được vua ban cho những cái tên ứng với các vì sao là vì lẽ đó.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 36, mặt khắc 21 và 22 có ghi chép về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên của sông Nguyệt Đức như sau: “Sông Nguyệt Đức: Sông này có hai chi phái: một chi từ xã Ngọc Long, huyện Tư Nông thuộc Thái Nguyên, chảy qua 2 huyện Hiệp Hòa và Đa Phúc: một chi từ xã Đam Xuyên, huyện Chi Lãng, thuộc Sơn Tây, chảy qua hai huyện Kim Anh và Đa Phúc, rồi hợp dòng ở địa phận xã Hương La, huyện Yên Phong làm thành ngã ba sông, chảy qua huyện Quế Dương rồi đổ vào sông Lục Đầu”.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 36, mặt khắc 21 và 22
Năm 1077, khúc sông Như Nguyệt đã không còn là dòng sông trăng hiền hòa mà biến thành phòng tuyến chôn vùi hàng vạn quân giặc Chính trên dòng sông này đã chứng kiến trận quyết chiến, vượt sông đánh giặc của quân và dân nhà Lý. Trận chiến trên sông Như Nguyệt (phòng tuyến Như Nguyệt) là trận đánh cuối của nhà Tống trên đất Đại Việt, để bắt buộc phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 9 có ghi: “Mùa xuân, tháng 3 nhà Tống sai Tuyên phù sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lược nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người. Quách Quỳ lui quân, lấy lại châu Quảng Nguyên của ta (người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong Đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:
Sông Núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành phân định tại sách trời,
Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!”
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 9
Bài thơ vang lên trong đêm tối như một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc làm cho kẻ thù bên bờ Bắc hoang mang dao động, góp phần quyết định cho thắng lợi vẻ vang trên dòng sông Như Nguyệt của quân dân nhà Lý ở thế kỷ thứ XI.
Dưới thời nhà Nguyễn, công việc khai hoang và thủy lợi, đặc biệt là hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở vùng Bắc Bộ rất được coi trọng. Năm Ất Sửu (1805) trong buổi tiết chiều Vua Gia long đã cho khơi đào thông dòng sông Như Nguyệt bị bồi lấp. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên nhất kỷ, quyển 26, mặt khắc 10 có viết: “Quan Bắc Thành tâu nói: Dòng nước sông Nguyệt Đức ở Kinh Bắc bị bối lấp, xin tùy nghi khởi đào để thông dòng nước”. Vua y lời tấu.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên nhất kỷ, quyển 26, mặt khắc 10
Đến năm 1854 vua Tự Đức cho khai vét dòng song Nguyệt Đức. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 10, mặt khắc 4 có đoạn: “Khai vét sông Nguyệt Đức (thuộc Bắc Ninh) để chia dòng nước sông Nhị cho tiêu bớt đi”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 10, mặt khắc 4
Có thể nói, sông Như Nguyệt được coi là trung tâm của văn hóa quan họ, con sông của thơ và nhạc. Đây là con sông huyền thoại lịch sử, gắn liền với đời sống đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Với sứ mệnh của riêng mình, sông Như Nguyệt sẽ tiếp tục là cầu nối bền chặt giữa quá khứ và tương lai của một vùng văn hóa xứ sở thơ mộng, kiều diễm Bắc Ninh - Kinh Bắc.Mộc bản về sông Như Nguyệt nằm trong khối tư liệu Mộc bản, Châu bản đang được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử... mang ý nghĩa to lớn khi tìm hiểu về miền quan họ. Cùng với đó là hơn 70 bức ảnh về phong cảnh, đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Ninh thời kỳ trước năm 1945.
Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu ảnh trên, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.