Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng 02 Nghị định về thi đua, khen thưởng

04/08/2022 14:48 Số lượt xem: 356

Ngày 01/8, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 917/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp Ba.

Theo đó, Thủ tướng phân công các Bộ: Nội vụ; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Y tế chủ trì soạn thảo 10 văn bản quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ 01/01/2024). Bên cạnh đó, tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo Thông tư của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về công tác thi đua, khen thưởng.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV (ngày 15/6/2022). Nguồn: daibieunhandan.vn

Ngoài ra, Thủ tướng phân công các Bộ: Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo 03 nghị định và 02 thông tư quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ 01/01/2023).

Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo 08 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm (có hiệu lực từ 01/01/2023).

Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo 06 văn bản quy định chi tiết Luật Cảnh sát cơ động (có hiệu lực từ 01/01/2023) và soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì soạn thảo 05 văn bản quy định chi tiết Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ 01/01/2023).

Đối với Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa (có hiệu lực từ 01/8/2022), Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo 04 văn bản quy định chi tiết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm:

Trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết theo Quyết định này.

 Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản; công khai nội dung, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ.

Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực về khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo hoặc đề xuất bổ sung văn bản quy định chi tiết.

Đồng thời, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được giao phối hợp soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình, ban hành văn bản, chủ động đề cao trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp.

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cử cán bộ, công chức tham gia soạn thảo, chỉnh lý và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy định chi tiết bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với các văn bản được xác định cụ thể tại Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, nhưng phải bảo đảm lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Định kỳ ngày 25 hằng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin về tình hình, tiến độ soạn thảo văn bản quy định chi tiết và gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Nội vụ

Thống kê truy cập

Online : 3214
Đã truy cập : 150755369