Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện cải cách hành chính
Ngày 22/5, Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC), giai đoạn 2016-2020 tại Sở Nội vụ. Đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn. Tham gia giám sát có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Nguyễn Hạnh Chung, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận giám sát.
Lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo tình hình triển khai công tác CCHC thời gian qua; chất vấn làm rõ kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân. Qua giám sát cho thấy, Sở Nội vụ tích cực, chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành triển khai, thực hiện công tác CCHC, cụ thể hoá Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc tham mưu, hướng dẫn, tổng hợp và tổ chức thực hiện công tác CCHC; đẩy mạnh thông tin, truyền truyền đồng thời thanh, kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện CCHC, đạt được kết quả tích cực trên các mặt.
Cải cách thể chế được quan tâm thực hiện thông qua việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); tích cực rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Vì vậy, hầu hết văn bản QPPL của tỉnh ban hành bảo đảm hợp hiến, hợp pháp. Thường xuyên rà soát, cắt giảm những TTHC không cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đều hoạt động theo mô hình Trung tâm Hành chính công; 100% UBND cấp xã thực hiện theo mô hình Một cửa liên thông hiện đại, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.
Công tác cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước được tiến hành theo đúng các văn bản chỉ đạo của trung ương. Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thành lập mới 10 cơ quan, đơn vị; giải thể 5 cơ quan, đơn vị; sáp nhập, giảm được 69 cơ quan, đơn vị. Công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Việc xây dựng kế hoạch biên chế trình cấp có thẩm quyền quyết định đảm bảo tính khách quan, chính xác, phù hợp với từng vị trí việc làm. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ. Công tác cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, việc thực hiện CCHC vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Việc ban hành một số văn bản phục vụ cho điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn lúng túng, vướng mắc, một số lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa tìm được thể chế để bứt phá; TTHC ở một số lĩnh vực chưa thực sự thông thoáng, đơn giản hóa; thông tin, tuyên truyền về TTHC đến với người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; sự phối hợp của các cơ quan, nhất là cơ quan trung ương đóng trên địa bàn về giải quyết TTHCC có lúc chưa tốt; bộ máy biên chế chưa thực sự tinh gọn; tự chủ tài chính liên quan đến các đơn vị sự nghiệp còn hạn chế.
Kết luận giám sát, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các thể chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm bảo đảm cụ thể hóa văn bản của Trung ương, tập trung vào các nội dung về công tác cán bộ, an sinh xã hội, phát triển thương mại, dịch vụ, làng nghề, xã hội hóa giáo dục đào tạo…; xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện CCHC, trong đó chú ý theo dõi, đánh giá sự hài lòng của người dân; tiếp tục rà soát và kiểm soát để chuẩn hóa, số hóa các quy trình, TTHC; thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới; nâng cao chất lượng quản lý dịch vụ công, bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; tiếp tục cải cách tài chính công, tăng cường kiểm soát, giám sát từ bên ngoài đối với lĩnh vực tài chính công; quan tâm đầu tư công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, lộ trình bảo đảm hiệu quả, thực chất, phù hợp với từng giai đoạn; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, thưởng phạt nghiêm minh, đề ra giải pháp phù hợp với từng giai đoạn để tiếp tục thực hiện tốt công tác CCHC trong thời gian tới.
Trước đó, các Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát nội dung này tại một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh.