Tình hình thay đổi đơn vị hành chính ở huyện Gia Bình

21/12/2017 08:19 Số lượt xem: 1275

Theo “Đường thư”, thời thuộc Đường (thế kỷ VIII) huyện Gia Bình là địa phận của hai huyện An Bình và Nam Định. Thời Trần (1225 - 1400) sáp nhập hai huyện thành một huyện, lấy tên là An Định. Thời thuộc Minh (1414- 1427) huyện An Định thuộc châu Gia Lâm và thuộc phủ Bắc Giang. Đầu thời Lê Quang Thuận (1460), huyện An Định được đổi tên là huyện Gia Định và trực thuộc phủ Thuận An. Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) huyện Gia Định được đổi tên là huyện Gia Bình.

Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, huyện Gia Bình đầu thời Lê có 86 xã và 1 sở. Bản đồ thời Hồng Đức (1460) ghi 67 xã. Theo sách “Các tổng trấn xã danh bị lãm” soạn vào đầu thời Nguyễn thì huyện Gia Bình lúc ấy có 8 tổng, 68 xã, thôn, phường, sở:

- Tổng Tam Á có 6 xã: Tam Á, Bảo Khám, Phú Ninh, Trạm Lộ, Dư Xá, Yên Định.

- Tổng Bình Ngô có 9 xã: Bình Ngô, Đông Côi, Nghi Khúc, Yên Ngô, Thường Vũ, Đoan Bái, Trương Xá, Đại Bái, Ngọc Xuyên.

- Tổng Đông Cứu có 6 xã: Đông Cứu, Cứu Sơn, Lãng Ngâm, Ngâm Điền, Quảng Ái, thôn Nội Phú thuộc xã Đông Cứu.

- Tổng Tiêu Xá có 7 xã, phường: Tiêu Xá, Dù Chàng, Cổ Thiết, Hữu Ái, Từ Ái, Lập Ái, phường Thủy Cơ sông Thiên Đức.

- Tổng Xuân Lai có 8 xã, phường: Xuân Lai, Yên Thành, An Khoái, An Mỗ, Phúc Lai, thôn Đông Cao thuộc xã Phúc Lai, Định Lăng.

- Tổng Quỳnh Bội có 7 xã: Quỳnh Bội, Phú Từ, Đổng Lâm, Đỗ Xá, Lương pháp, Thủ Pháp (năm 1807 phiêu tán, năm 1808 phục hồi).

- Tổng Đại Lai có 13 xã, phường: Đại Lai, Nhân Hữu, Ngô Cương, Hương Triện, Địch Trung, Cẩm Xá, Ngọc Triện, phường Bái Giang xã Gia Phú, Bồng Trì, Phương Độ, Phùng Xá, Huề Đông, Bảo Triện.

- Tổng Vạn Tư có 11 xã, sở: Vạn Tư, Vạn Tải, Phồn Dương, Tiểu Than, Đại Than, Văn Than, Kinh Bồ, Phù Than, Cao Trụ, Vạn Thọ, sở Phồn Dương.

Thời Tự Đức (1848 - 1883) có 8 tổng, 66 xã thôn. Thời Đồng Khánh (1886), cắt tổng Tam Á (bao gồm 6 xã thôn) vể huyện Siêu Loại, nên còn có 7 tổng (bao gồm 60 xã, thôn, phường, sở): Bình Ngô (9 xã), Đông Cứu (6 xã thôn), Tiêu Xá (6 xã, do phường thủy cơ trực thuộc xã), Xuân Lai (8 xã thôn), Quỳnh Bội (7 xã), Đại Lai (13 xã phường),Vạn Ty (11 xã, sở), và đổi tên một số xã, thôn: Phồn Dương đổi là Bà Dương, Phú Từ đổi là Phú Dư, Yên Thành đổi là An Khoái, Dù Chàng đổi là Du Chàng, An Mỗ đổi là Định Mỗ, Định Lăng đổi là Định Cương, Kinh Bồ đổi là Kênh Phố, sở Phồn Dương đổi là sở Bà Dương.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, đơn vị xã cũ được giữ nguyên. Năm 1948, một số xã nhỏ được hợp nhất lại và lấy tên mới. Đó là các xã: Vạn Ty hợp nhất với Vạn Tải lấy tên là xã Vạn Liên, Bảo Triện hợp nhất với Phương Triện lấy tên là xã Thái Lai, xã Xuân Hiệp, Thịnh Đức, Hương Khê, Phú Lâm, Quỳnh Lâm, An Bình, Bình Dương, Cao Đức, Đại Thành, Đông Cứu, Lãng Ngâm, Vạn Ninh,…

Theo Quyết định số 422 pc/2 ngày 9 tháng 7 năm 1949 của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu I, một số xã của huyện Gia Bình được hợp nhất lại và lấy tên mới:

- Xã Xuân Hiệp hợp nhất với xã Thịnh Đức lấy tên là xã Thịnh Đức,

- Xã Nhân Hữu hợp nhất với xã Hương Khê lấy tên là xã Nhân Thắng,

- Xã Phú Lâm hợp nhất với xã Quỳnh Lâm lấy tên là xã Quỳnh Phú

- Xã Tiêu Xá đổi tên là xã Hiệp Xá.

- Xã Vạn Liên hợp nhất với xã Thái Lai gọi là xã Thái Bảo

7 xã vẫn giữ nguyên tên gọi cũ là các xã: An Bình, Bình Dương, Cao Đức, Đại Thành, Đông Cứu, Lãng Ngâm, Vạn Ninh.

 Tháng 8 năm 1950, huyện Gia Bình hợp nhất với huyện Lương Tài thành một huyện, lấy tên là huyện Gia Lương. Huyện lỵ đóng tại phố Thứa.

Một thời gian sau, xã Tiêu Xá được chia thành hai xã là xã Giang Sơn và xã Song Giang, xã Nhân Hữu được đổi thành xã Bình Dương, xã Thịnh Đức đổi thành xã Xuân Lai.

Giữa năm 1955, sau khi thực hiện chính sách giảm tô và CCRĐ, các làng của xã Thái Lai cũ được tách ra khỏi xã Thái Bảo để thành lập xã mới, lấy tên là xã Tân Lập.

Ngày 27 tháng 2 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 30-CP chuyển ấp Hôm thuộc xã Đức Thành huyện Quế Dương về xã Tân Lập huyện Gia Lương; chuyển ấp Găng thuộc xã Đức Thành huyện Quế Dương về xã Thái Bảo huyện Gia Lương.

Năm 1967, xã Tân Lập được đổi tên là xã Đại Lai.

Ngày 4 tháng 6 năm 1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 84-CP hợp nhất huyện Gia Lương và huyện Thuận Thành thành một huyện lấy tên là huyện Gia Thuận. Nhưng đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 17-CP phê chuẩn đề nghị của UBND tỉnh Hà Bắc thôi không hợp nhất huyện Gia Lương với huyện Thuận Thành.

Đến năm 1972, những xã được đổi tên từ năm 1949, lấy lại tên cũ: xã Đại Thành đổi lại là xã Đại Bái, …

Ngày 01 tháng 8 năm 1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 237-CP sáp nhập xã An Bình thuộc huyện Gia Lương vào huyện Thuận Thành.

Ngày 11 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/1999/NĐ-CP tách huyện Gia Lương thành hai huyện lấy tên là huyện Gia Bình  và  huyện  Lương  Tài.  Tại thời điểm tái lập, huyện Gia Bình có 0.752,81 ha diện tích đất tự nhiên, 103.092 nhân khẩu, có 13 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Vạn Ninh, Cao Đức, Bình Dương, Thái Bảo, Nhân Thắng,  Xuân  Lai, Đại Lai, Song Giang, Giang Sơn, Đông Cứu, Lãng Ngâm, Đại Bái, Quỳnh  Phú, bao gồm 73 thôn.

Địa giới hành chính huyện Gia Bình: Đông giáp tỉnh Hải Dương, Tây giáp huyện Thuận Thành, Nam giáp huyện Lương  Tài, Bắc giáp huyện Quế Võ.

Ngày 8 tháng 4 năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2002/NĐ-CP về việc thành lập thị trấn Gia Bình - thị trấn huyện lỵ Gia Bình, trên cơ sở 213,08 ha diện tích đất tự nhiên và 3.198 nhân khẩu của xã Xuân Lai; 71,92 ha diện tích đất tự nhiên và 3.085 nhân khẩu của xã  Đông Cứu; 151,39 ha diện tích đất tự nhiên và 1.389 nhân khẩu của xã  Đại Bái.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Xuân Lai còn lại 1.084,35 ha diện tích đất tự nhiên và 8.251 nhân khẩu; xã Đại Bái còn 627 ha diện tích đất tự nhiên và 8.865 nhân khẩu; xã Đông Cứu còn 666,46 ha diện tích đất tự nhiên và 7.301 nhân khẩu.

Hiện nay, huyện Gia Bình có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 13 xã: Bình Dương, Cao Đức, Đại Bái, Đại Lai, Đông Cứu, Giang Sơn, Lãng Ngâm, Nhân Thắng, Quỳnh Phú, Song Giang, Thái Bảo, Vạn Ninh, Xuân Lai và thị trấn Gia Bình .

Lỵ sở của huyện Gia Bình trước kia được đặt ở xã Bảo Khám. Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) chuyển về xã Đông Bình, năm Minh Mệnh thứ 19 (1938) chuyển đến xã Nhân Hữu, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) chuyển đến xã Khoái Khê tổng Xuân Lai, xung quanh đắp thành đất hình vuông, mỗi chiều dài 20 trượng, chu vu 80 trượng. Thành cao 7 thước, mặt rộng 4 tước, chân thành rộng 1 trượng 2 thước, bốn phía đều có hào  rộng 1 trượng 2 thước, sâu 1 trượng. Thành mở 2 cửa tiền hậu. Huyện hạt phía Đông giáp huyện Chí Linh phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương, phía Tây giáp huyện Siêu Loại, phía Nam giáp huyện Lương Tài, phía Bắc giáp huyện Quế Dương. Đông Tây cách nhau 33 dặm 5 thước, Nam Bắc cách nhau 10 dặm 31 trượng 6 thước.

 Huyện lỵ Gia Bình đóng ở Khoái Khê đến khi sáp nhập với huyện Lương Tài (tháng 8/1950). Hiện nay huyện lỵ đóng tại thị trấn Gia Bình.

Số nhân đinh thời Đồng Khánh (1886) là: 2.615 người; ruộng đất: hơn 21.823 mẫu; thuế cả năm: hơn 8.700 quan và 15.300 hộc thóc; lính tuyển: 289 người (trong đó 77 người thuộc tỉnh Bắc Ninh, 212 người thuộc tỉnh Hải Dương), 1 lính mộ.

Tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2009, số nhân khẩu của huyện Gia Bình là 92.323 người (trong đó có 44.861 nam, 47.462 nữ).

Nguyễn Quang Khải

Thống kê truy cập

Online : 4023
Đã truy cập : 151065448