Vua Lý Nhân Tông qua tư liệu Mộc bản Triều Nguyễn

08/04/2024 10:51 Số lượt xem: 262

Vua Lý Nhân Tông (sinh ngày 22 tháng 02 năm 1066 - mất 15 tháng 01 năm 1128), là vị hoàng đế thứ tư của nhà Lý. Ông trị vì Đại Việt từ năm 1072 đến năm 1128, tổng cộng gần 56 năm, cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 28 ghi chép về thân thế của vua Lý Nhân Tông: “Lý Nhân Tông tên là Càn Đức, là con trưởng của vua Lý Thánh Tông. Ngài trị vì được 56 năm”. Ông được sinh ra khi vua Lý Thánh Tông đang trong khi hiếm muộn con và đã ở tuổi 43 nên vua cha rất vui mừng. Ngay sau khi sinh ra được 1 ngày, ông đã được phong lên làm Hoàng Thái Tử. Mẹ ông cũng được phong lên làm Thần Phi Ỷ Lan. Năm 1072, vua Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức mới 6 tuổi lên ngôi vua.


Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 28 - Vua Lý Nhân Tông

Dưới thời trị vì của vua Lý Nhân Tông, nước Việt phồn vinh, đạt được nhiều chiến tích nổi bật về chính sách đối ngoại. Khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi, ở phương Bắc, nhà Tống muốn nhân lúc vua Lý còn nhỏ để mang quân đánh chiếm. Nhờ vào khả năng quân sự của Lý Thường Kiệt, nước Đại Việt đã đứng vững trong cuộc chiến với quân đội nhà Tống. Năm Ất Mão (1075), ngay khi nhà Tống đang tập kết lực lượng ở Ung Châu chuẩn bị tiến sang, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đi đánh. Sang đầu năm 1076, quân Lý hạ thành Ung Châu. Năm Bính Thìn (1076), nhà Tống cử Quách Qùy, Triệu Tiết đem đại binh sang xâm lược Đại Việt. Quân đội nhà Lý dưới sự chỉ huy của Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt đã đánh bại được quân đội nhà Tống. Tại trận tuyến trên sông Như Nguyệt năm 1077, Quách Qùy rút quân trở về. Như vậy, quân đội nhà Lý đã liên tiếp phá tan quân Tống ở 3 châu Ung, Khâm, Liêm (đất Tống) và sông Như Nguyệt (đất Việt). Theo Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 35, chiến thắng quân Tống được ghi chép lại như sau: “Tháng 11, mùa đông, sai Lý Thường Kiệt đem đại binh sang đánh nhà Tống, phá được Khâm Châu và Liêm Châu … Quân Tống chết mất tám nghìn người”.

“Tại phương Nam thì đánh phá được nước Chiêm Thành, vua Lý Nhân Tông tự mình đưa nước nhà đến chỗ thái bình thịnh trị, nhân dân sống một cuộc đời giàu có ấm no, thật xứng đáng là một vị thánh chúa của triều Lý vậy” (theo Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 28) .


Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 35 - Vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đi đánh quân Chiêm Thành, năm Ất Mão (1075)

 


Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 33 - Vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học để tuyển chọn nhân tài, năm Ất Mão (1075)

Việc mở mang Nho học, khuyến khích học hành, nâng cao dân trí đã được rất chú trọng từ thời vua Lý Thánh Tông thì đến đời vua Lý Nhân Tông nền giáo dục khoa bảng Đại Việt lại càng phát triển hơn. Mùa xuân năm 1075, ông cho mở khoa thi Tam Trường (còn gọi là Minh kinh bác học) để chọn được người có tài về văn học ra giúp nước. Đây được xem là khoa thi đầu tiên của nền khoa cử Việt Nam. Triều đình chấm 10 người đỗ đạt, trong đó thủ khoa là Lê Văn Thịnh được vào cung dạy học cho cua.

Năm Bính Thìn (1076), Vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của nước ta:Lập nhà Quốc Tử Giám; tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó” (theo Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 38).


Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 38) - Vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của nước ta, năm Bính Thìn (1076)

Trong suốt thời gian tại vị của mình, vua Lý Nhân Tông được đánh giá là người thông minh, hiếu học và có tài lược hơn người trong việc cai quản đất nước. Đánh giá tổng quát về ông, các sử gia từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đến Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn… đều xem ông là vị vua giỏi, vị anh quân của vương triều nhà Lý, đưa đất nước trở thành một trong những giai đoạn phát triển và ổn định nhất trong lịch sử

Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu Mộc bản triều Nguyễn về vua Lý Nhân Tông, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.854.577) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.

Nguyễn Thị Ngọc Mai

Thống kê truy cập

Online : 4323
Đã truy cập : 150711745