Vua Lý Thánh Tông qua tư liệu Mộc bản Triều Nguyễn
Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, sinh ngày 25/02/1023 (Quý Hợi). Ông là vị hoàng đế thứ ba của vương triều nhà Lý, trị vì từ tháng 11 năm 1054 đến khi qua đời năm 1072 và trở thành một trong ba vị vua tạo nên sự thịnh vượng của triều Lý với “Trăm năm thịnh thế” cùng với cha ông - Lý Thái Tông và con ông - Lý Nhân Tông. Ông được đánh giá là một vị vua luôn đề cao sự nhân ái cũng như xây dựng các chính sách khoan hòa trong vấn đề cai trị đất nước. Trung tâm Lưu trữ lịch sử xin trân trọng giới thiệu một số thông tin giá trị về công lao, những cột mốc quan trọng trong thời gian trị vì của Lý Thánh Tông qua các tư liệu ảnh Mộc bản Triều Nguyễn hiện được lưu giữ tại Trung tâm.
Năm 1054, vua Lý Thái Tông lúc này đã già yếu liền quyết định cho phép thái tử Lý Nhật Tôn tham gia các buổi chầu và nghe chuyện chính sự để có thể hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong tương lai. Ngày 3/11/1054, vua Lý Thái Tông băng hà, Thái tử Lý Nhật Tôn lên ngôi Hoàng đế, tức là hoàng đế Lý Thánh Tông sau này. Về sự kiện Lý Nhật Tôn lên ngôi hoàng đế Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 20 ghi chép lại như sau:“Thái tử Nhật Tôn lên ngôi, đổi lại niên hiệu (tức Lý Thánh Tông). Đổi quốc hiệu là Đại Việt. Trước kia, Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Các triều đại sau vẫn theo như thế, đến đây mới đổi lại”.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 20 - Vua Lý Thánh Tông cho đổi Quốc hiệu là Đại Việt, năm Giáp Ngọ (1054)
Về chính sách đối ngoại, trong thời gian trị vì, vua Lý Thánh Tông đạt được nhiều thành tựu. Năm 1068, Chiêm Thành sang quấy nhiễu ở phía biên giới của Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông đã quyết định thực hiện việc mở chiến dịch đánh Chiêm. Đến năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm Thành: “Tháng 2, mùa xuân, nhà vua tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành, bắt được chúa Chiêm là Chế Củ đem về”(theo Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 28). Sau thất bại nặng nề, chúa Chiêm Thành quyết định dâng đất của 3 châu cho vua Lý Thánh Tông. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 29 nhắc đến việc này như sau: “Chúa Chiêm Thành là Chế Củ dâng đất ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để xin về nước, vua ưng thuận”. Vua Lý Thánh Tông đã lấy 3 châu ấy và tha cho Chế Củ về nước. Những châu ấy nay ở địa hạt các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 28 - Vua Lý Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm Thành, năm Kỷ Dậu (1069)
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 29-Chúa Chiêm Thành dâng ba châu Địa lý, Ma Linh và Bố Chính cho Đại Việt, năm Kỷ Dậu (1069)
Ngoài ra, vua Lý Thánh Tông còn rất chú trọng mở mang Nho học, khuyến khích việc học hành, mở mang dân trí. Dựa theo ghi chép tại Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 30 thì tháng 8, mùa thu năm 1070, nhà vua xây dựng nhà Văn Miếu và tạc tượng Chu Công, Khổng Tử, Tứ Phối, vẽ hình tượng thất thập nhị hiền bày ở Văn Miếu và sai tế lễ bốn mùa. Đồng thời, vua sai Hoàng thái tử tới Văn miếu học tập.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 30) - Vua Lý Thánh Tông cho lập nhà Văn Miếu, năm Canh Tuất (1070)
Trong suốt những năm trị quốc, vua Lý Thánh Tông đã ban hành nhiều chính sách cai trị và phát triển đất nước rất đúng đắn. Không những được lòng dân mà ông còn đem lại những giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc. Nhờ đó Đại Việt giữ được thái bình thịnh trị, non sông phát triển bền vững và ổn định.
Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu Mộc bản triều Nguyễn về vua Lý Thánh Tông, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.