Bộ máy nhà nước cấp tỉnh của Bắc Ninh khi thành lập
Năm Tân Mão, Minh Mệnh thứ 12, sau khi nghe các đình thần trình tấu 15 điều lợi về việc chia đặt các trấn nên đổi thành các tỉnh, vua Minh Mệnh đã ban lệnh chia đặt các hạt (trấn) ở Bắc thành (tức thành Hà Nội) và phía Bắc kinh kỳ (tức Kinh đô Huế), chia định địa hạt thành các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa, Sơn Tây.
Như vậy, vào triều vua Minh Mệnh năm thứ 12, ngày 1 tháng 10 năm Tân Mão, tức ngày 4 tháng 11 năm 1831, tỉnh Bắc Ninh được thành lập cùng với 18 tỉnh ở Bắc thành và phía Bắc kinh kỳ - tức kinh đô Huế.
Tỉnh Bắc Ninh thống lãnh 4 phủ là Từ Sơn, Thiên Phúc, Thuận An, Lạng Giang với 20 huyện là Tiên Du, Võ Giàng, Quế Dương, Yên Phong, Thiên Phúc, Hiệp Hòa, Kim Hoa, Việt Yên, Lang Tài, Gia Lâm, Văn Giang, Gia Bình, Siêu Loại, Yên Thế, Yên Dũng, Bảo Lộc, Hữu Lũng, Phượng Nhỡn, Lục Ngạn, Đông Ngàn.
Tỉnh Bắc Ninh được thành lập trên cơ sở các đơn vị hành chính phủ, huyện của trấn Kinh Bắc thời Lê, trấn Bắc Ninh thời Nguyễn (1822). Giống như các tỉnh cùng được thành lập, bộ máy nhà nước và các chức quan cấp tỉnh ở Bắc Ninh gồm: Tổng đốc; Tuần phủ; Ty Bố chính; Ty Án sát; Lãnh binh quan.
Tổng đốc đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh là viên quan Nguyễn Đình Phổ. Theo quy định của nhà Nguyễn triều Minh Mạng, Tổng đốc Bắc Ninh là Tổng đốc chuyên hạt một tỉnh - tức tỉnh Bắc Ninh và kiêm hạt một tỉnh là tỉnh Thái Nguyên, gọi là Tổng đốc Ninh - Thái ( Bắc Ninh và Thái Nguyên).
Tổng đốc chuyên hạt là người chuyên chủ công việc trong hạt (tỉnh) mình hiện đóng, còn kiêm hạt là kiêm lý công việc ngoài hạt mình quản lý. Vì vậy Tổng đốc và cơ quan bộ máy cấp tỉnh đóng tại thành Bắc Ninh - một ngôi thành được xây cất quy mô và kiên cố từ đầu thế kỷ XIX, đến triều Minh Mạng được xây bằng đá ong. Đây là căn cứ quân sự, đồng thời là trung tâm hành chính, nơi làm việc của cơ quan cấp tỉnh, được xây cất ở trong thành. Riêng dinh Tổng đốc xây đặt riêng ở ngoài thành - tức tòa nhà hiện là nơi làm việc của UBND phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) ngày nay.
Tổng đốc Bắc Ninh chuyên hạt và kiêm hạt (Tổng đốc Ninh - Thái) hàm chức tương đương Thượng thư, đô thống, thống chế. Sách ghi: “ Các hạt Bình - Trị, An - Tĩnh, Thanh Hoa, Hà - Ninh, Định Yên, Hải - Yên, Ninh - Thái (Bắc Ninh - Thái Nguyên)… đều đặt Tổng đốc, lãnh công việc Tuần phủ, lấy các chức Đô Thống, Thượng thư, Thống chế sung bổ…” Như vậy, Tổng đốc Bắc Ninh lãnh công việc của tuần phủ tỉnh Thái Nguyên.
Bố chính sứ là quan hàm Chánh tam phẩm. Án sát sứ là quan hàm Tòng tam phẩm. “Bố chính thư lý tuần phủ, như Bố Chính Thái Nguyên quan hàm biên là” Thái Nguyên đẳng sứ địa phương Thừa Tuyên bố Chánh sứ Ty bố chánh sứ, thư lý tuần phủ ấn vụ…! Như vậy, Thái Nguyên là tỉnh kiêm hạt với Bắc Ninh, nên Tổng đốc lãnh công việc của Tuần phủ, nhưng giải quyết công việc cụ thể được giao cho quan Bố chính Thái Nguyên giải quyết.
Lãnh binh quan (cơ quan lo việc quân sự): Dùng quan hàm tam phẩm phụ trách. Tỉnh Bắc Ninh chỉ đặt 2 lãnh binh quan cai quản bộ binh và tượng binh, không đặt thủy sư lãnh binh quan. Về số nhân viên giúp việc ở các cơ quan cấp tỉnh, được triều đình phân bổ như sau: Thư lại (nhân viên giúp việc) của Ty Bố chính: chức Bát phẩm 3 người, chức cửu phẩm 6 người, còn lại là nhân viên thường (nhập lưu thư lại); 40 người. Thư lại Ty Án sát: quan bát phẩm 2 người, quan cửu phẩm 4 người, và 40 nhân viên thường ( nhập lưu thư lại).
Cơ quan lãnh binh (quân sự) ở Bắc Ninh có: Bộ binh có 10 cơ oai thắng của hậu quân, Cự oai cơ, Bắc Ninh cơ, Bắc thuận cơ, Bắc Ninh tượng cơ (voi chiến). Sách ghi: “Ba cơ Bắc tượng tiền, Bắc tượng tả, Bắc tượng hữu, mỗi cơ 5 đội, chia bổ về 5 tỉnh to là: Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Sơn Tây, Bắc Ninh, mỗi tỉnh là 3 đội, đặt làm một cơ… mỗi hạt (tỉnh) định hạt là 20 thớt voi. Như vậy, tỉnh Bắc Ninh có có 10 cơ bộ binh và một cơ tượng binh gồm 20 thớt voi, chia làm 3 đội.
Chức năng nhiệm vụ của chức quan và cơ quan nhà nước cấp tỉnh: Đi liền với việc thiết lập các chức quan và cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, triều Minh Mạng đã quy định các chức năng, nhiệm vụ cụ thể, mà sách ghi là: “Phân chia chức sự coi giữ”, cụ thể như sau: Tổng đốc giữ việc cai trị cả quân, dân, cầm đầu các quan văn, võ trong toàn hạt. Khảo hạch các quan lại, sửa sang bờ cõi. Tuần phủ giữ việc tuyên bố đức ý triều đình, vỗ yên nhân dân, coi giữ các việc chính trị, giáo dục, mở điều lợi, bỏ điều hại. Bố chính sứ giữ việc thuế khóa, tài chính toàn hạt. Triều đình có ấn trạch, chính lệnh gì ban xuống thì truyền đạt cho các người phần việc. Án sát sứ giữ việc kiện tụng, hình án trong toàn hạt, chấn hưng phong hóa, kỷ cương, thanh trừng các quan lại, kiêm coi công việc chạy trạm trong khi có công việc trọng đại của hai ty (Bố chính và Án sát), hội đồng bàn bạc rồi trình với Tổng đốc hay Thừa phủ mà làm.
Xem thế, Tổng đốc là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động trong tỉnh. Tuần phủ được coi là chức phó giúp việc Tổng đốc trong việc chính trị, tuyên truyền, giáo dục và văn hóa nhằm ổn định xã hội. Hai cơ quan giúp việc chính là Ty Bố chính giải quyết các công việc tài chính, thuế khóa và phổ biến các chính lệnh của triều đình cho các đơn vị và người thực hiện. Ty Án sát giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực Tư pháp và lưu thông công văn khi có công việc trọng đại thuộc hai Ty đảm nhiệm.
Để các cơ quan nhà nước cấp tỉnh hoạt động có hiệu quả, ngay từ khi chia đặt các tỉnh, triều vua Minh Mạng đã ban hành bộ quy tắc làm việc, gồm 31 điều khoản, quy định cụ thể những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, biên chế trong các cơ quan, việc đặt lỵ sở, quản lý sổ sách, văn thư lưu trữ, giải quyết các vụ án, tài chính, thuế khóa…
Những điều trình bày trên cho thấy, khi thành lập và chia tách tỉnh ở Bắc thành, vua Minh Mạng đã chỉ đạo ngay việc thành lập bộ máy nhà nước cấp tỉnh - Ban đầu, bộ máy nhà nước còn đơn giản, song đã đủ đảm trách việc lãnh đạo chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục, những vấn đề thuộc nội chính và tư pháp, đặc biệt là công tác quân sự. Bộ quy tắc làm việc đã xác định rõ chức năng, quyền hạn của người đứng đầu tỉnh (Tổng đốc) của người giúp việc các cơ quan chức năng, lề lối làm việc và mối quan hệ của các cơ quan trong giải quyết công việc.
Qua những điều trên đã khẳng định, Bắc Ninh khi được thành lập là một trong 5 tỉnh lớn của Bắc thành và giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Tổng đốc Bắc Ninh kiêm hạt tỉnh Thái Nguyên (nên gọi là Tổng đốc Ninh - Thái). Mặt khác, Bắc Ninh có trách nhiệm giúp tỉnh Lạng Sơn mỗi khi có sự cố nguy cấp về an ninh. Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc, trong đó ông đã có nhận định về việc nhà Nguyễn đặt tên tỉnh Bắc Ninh là nhằm xây dựng một tỉnh ổn định, an ninh ở vùng Bắc thành, vì vậy mà ông đã xúc cảm về hai chữ Bắc Ninh:
“Bắc là phía Bắc thành rồng/ Ninh là yên ả một lòng vì dân”.