Hội thảo xác định chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2018

17/01/2019 16:51 Số lượt xem: 109

Ngày 15/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo xác định chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2018.

Đ/c Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính tiếp thu, giải trình những ý kiến của đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Phùng Doãn Hưng, chuyên viên Vụ Cải cách hành chính triển khai Kế hoạch, hướng dẫn những điểm mới về Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 và công tác điều tra xã hội học; sử dụng phần mềm quản lý chấm điểm. Theo đó, tại quyết định số 2636/QĐ-BNV ngày 10/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ có 41 tiêu chí, 96 tiêu chí thành phần, tăng hơn so với tiêu chí cũ là 37 tiêu chí và 79 tiêu chí thành phần. Cụ thể: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính có 6 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh có 4 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần; cải cách thủ tục hành chính: 5 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần; cải cách tổ chức bộ máy hành chính có 4 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có 9 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần; cải cách tài chính công có 4 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần; hiện đại hóa hành chính có 5 tiêu chí và 18 tiêu chí thành phần; phần tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh có 4 tiêu chí và 7 tiêu chí thành phần.

Trong phần trình bày của mình, đồng chí cũng nêu rõ, đối với các tiêu chí đã đạt được và duy trì ổn định tốt trong nhiều năm thì Bộ không đưa vào chấm điểm nữa mà thay vào đó là một số tiêu chí mới để các tỉnh phấn đấu và thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính. Một số tiêu chí mới như sau: Xử lý văn bản phát hiện sai phạm qua kiểm tra; Công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng thông tin điện tử hoặc Dịch vụ công của tỉnh; Tỷ lệ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; Tỷ lệ giảm biên chế so với năm 2015; Tổ chức thực hiện công tác tài chính – ngân sách; Công tác quản lý, sử dụng tài sản công; Thực hiện quy định về việc phân phối kết quả tài chính hoặc sử dụng kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên trong năm tại các đơn vị sự nghiệp công lập…

Thang điểm đánh giá năm nay vẫn là 100. Trong đó điểm tự đánh giá là 64.5, điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 35.5. Về thang điểm có thay đổi so với Bộ tiêu chí cũ (năm 2017) điển hình như lĩnh vực tài chính công tăng từ 6 lên 14 tiêu chí thành phần. Một số tiêu chí giảm điểm xuống để phù hợp với thực tiến như: dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hay dịch vụ Bưu chính công ích.

Các tỉnh tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Điểm tự đánh giá của các tỉnh được Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cân thiết.

Đối với đánh giá thông qua điều tra xã hội học được tiến hành để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau, do Bộ Nội vụ quy định. Về đối tượng có khác so với những năm trước, thay vì điều tra doanh nghiệp và người dân thì được thay thế bằng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Tại cuộc hội thảo, với sự chủ trì của đồng chí Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng, các tỉnh cơ bản nhất trí với bộ tiêu chí mới tuy nhiên cũng nêu mặt khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện và khai thác tài liệu để Bộ nắm được và cùng tháo gỡ. Đại diện Sở Nội vụ Gia Lai có đề xuất từ năm sau nên ban hành Bộ tiêu chí chấm điểm ngay từ đầu năm để các tỉnh lấy đó làm căn cứ phấn đấu. Đối với Quảng Ngãi thì đề xuất nên công bố trong năm đánh giá hoặc tháng 1 của năm sau để các tỉnh có kết quả đó làm căn cứ xét khen thưởng; đề nghị Bộ đưa phương án chấm điểm đối với tiêu chí thành phần 4.2.3 Tỷ lệ giảm biên chế so với năm 2015. Đại diện Lâm Đồng, sau khi thu kết quả thông qua điều tra xã hội học, Bộ nên đánh giá mặt yếu kém và hạn chế, phản hồi lại với các tỉnh để cùng nhau khắc phục hạn chế, yếu kém đó. Với Đồng Nai thì lại đưa ra đề xuất nên triển khai điều tra trước khi tiến hành tự chấm điểm… Đối với những đề xuất, kiến nghị hay đề nghị hướng dẫn cụ thể đều được Vụ trưởng tiếp thu, giải thích và hướng dẫn cách thực hiện một cách dễ nhất, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và làm hài lòng các đại biểu dự hội nghị. Đồng thời, Vụ trưởng cũng khuyến cáo các tỉnh nên chủ động chấm sớm trên cả bản giấy và phần mềm, tránh trường hợp đến hạn báo cáo mới làm thì sẽ bị vội và gặp trục trặc phát sinh thì không xử lý kịp

Nguyễn Hằng

Thống kê truy cập

Online : 3595
Đã truy cập : 151075182