Việc ủy quyền cho Trung tâm Hành chính công nhận thay thủ tục hành chính của một một số đơn vị cấp huyện và những vấn đề đặt ra

27/12/2018 11:18 View Count: 58

Trong thời gian từ 26/4-22/6/2017, 8/8 huyện, thị xã, thành phố đồng loạt khai trương và đi vào hoạt động Trung tâm Hành chính công (TTHCC). Qua thời gian  hoạt động, ngoài những hiệu quả mang tính tích cực thì còn một số mặt tồn tại nhất định. Ngoài những hạn chế khó khăn khách quan thì còn trên thực tế, một số cơ quan, đơn vị có số TTHC ít phát sinh giao dịch trong khi khối lượng công việc tại cơ quan ngày càng nhiều, phức tạp. Cho nên một số đơn vị đã mạnh dạn ủy quyền cho TTHCC tiếp nhận và trả kết quả tại TTHCC, như các huyện, thị xã: Gia Bình, Yên Phong, Quế Võ, Từ Sơn, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh…

Hiện nay, tổng số TTHC của Gia Bình là 225, trong đó nhận thay là 48 (cụ thể các lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo: 27 thủ tục; Y tế: 5 thủ tục, Văn hóa Thông tin: 16 thủ tục); Yên Phong là 237 TTHC, trong đó nhận thay là 4 thủ tục của Y tế; Quế Võ 234 thủ tục, trong đó nhận thay là 110 thủ tục (cụ thể các lĩnh vực: Y tế: 4 thủ tục; Nội vụ: 17 thủ tục; Kinh tế Hạ tầng là 40 thủ tục; Văn hóa là 20 thủ tục; Giáo dục và Đào tạo: 29 thủ tục); thị xã Từ Sơn có 242 TTHC, trong đó nhận thay là 15 (cụ thể các lĩnh vực Thuế: 4 thủ tục; Đất đai: 8 thủ tục; Kho bạc: 1 thủ tục; Ban An toàn thực phẩm: 2 thủ tục); huyện Tiên Du là 270 TTHC, trong đó thủ tục nhận thay là 37 (trong đó các lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo: 36 thủ tục; Y tế: 1 thủ tục), UBND thành phố là 254, trong đó nhận thay là 99 thủ tục (cụ thể các lĩnh vực: Nội vụ: 24 thủ tục; Kinh tế: 12 thủ tục; Văn hóa Thông tin: 22; Giáo dục Đào tạo: 29; Ban An toàn thực phẩm: 12 thủ tục), còn lại 02 đơn vị là:, huyện Thuận Thành Lương Tài chưa thực hiện việc ủy quyền cho TTHCC nhận thay.

Do là mô hình mới, hệ thống cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, toàn diện, cơ chế phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan có liên quan còn thiếu chặt chẽ, chi tiết, còn lúng túng trong quá trình triển khai vận hành. Để góp phần hiện thực hóa chủ trương trên, Trung tâm HCC huyện cần phối hợp với TTHCC tỉnh, UBND huyện và các cơ quan có liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, cần xác định yêu cầu cũng như mục tiêu thực hiện giải quyết TTHC tuân thủ theo nguyên tắc “công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”, tiến tới “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ”. Từng bước nâng dần tỷ lệ các TTHC được tiếp nhận và giải quyết trong ngày hoặc giải quyết ngay, thực hiện nghiêm việc hẹn và trả kết quả một lần, đúng cam kết, không yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần.

Thứ hai, rút ngắn hơn nữa thời gian, hiệu quả giải quyết TTHC tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức, công dân khi tham gia vào các dịch vụ công.

Thứ ba, cần xây dựng hành lang pháp lý cho cơ chế này, trước tiên nhanh chóng xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả giải quyết TTHC (4 tại chỗ) tại trung tâm HCC song song với việc thể chế hóa quy chế phối hợp giữa trung tâm HCC huyện và các phòng ban chuyên môn khi ủy quyền tiếp nhận TTHC lĩnh vực của đơn vị tạo sự gắn kết, trách nhiệm trong việc giải quyết các công việc cho người dân và tổ chức, trong đó có cụ thể về nhiệm vụ, giải pháp và tiến độ thực hiện đối với từng công việc, cụ thể: Xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn ISO; Xây dựng quy chế phối hợp, ủy quyền tiếp nhận TTHC giữa các phòng ban chuyên môn và TTHCC trong đó xác định rõ trong quá trình tiếp nhận hồ sơ trung tâm HCC làm những nhiệm vụ gì? trách nhiệm ra sao? phía các phòng chuyên môn có trách nhiệm như thế nào? cơ chế phối hợp giữa hai bên ra sao? để đảm bảo hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả được thông suốt.

Thứ tư, để nhận thay được TTHC của phòng, ban chuyên môn của huyện, đòi hỏi việc bố trí cán bộ, công chức của TTHCC được giao nhận thay các TTHC của đơn vị phải có kiến thức tổng hợp trên các lĩnh vực được giao, am hiểu đa ngành, đa lĩnh vực, được đào tạo bài bản, chuyên môn hóa cao, nghiệp vụ vững vàng. Đội ngũ này không chỉ đơn thuần tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xem có đủ thành phần hay không, mà còn phải có đủ năng lực để hướng dẫn cho công dân hoàn thiện hồ sơ theo quy định với nguyên tắc “một thẩm định, một phê duyệt”.

Đồng thời, tăng cường các lớp đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong, thái độ khi giao tiếp với công dân với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động, hướng tới người dân, chú trọng tới sự hài lòng của công dân về các TTHC”. Chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhận thay TTHC của các cơ quan, đơn vị theo hướng học việc gì để làm việc nấy, bắt tay chỉ việc. Cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị sẽ nêu những vấn đề thường phát sinh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, những lưu ý cần chú ý trong quá trình thẩm định hồ sơ để công chức của trung tâm biết, nắm được, hiểu được và chuyển tải được cho công dân và trong quá trình triển khai có vướng mắc sẽ thực hiện trao đổi trực tiếp nếu cần sẽ xin ý kiến Lãnh đạo Sở để có hướng giải quyết tốt nhất.

Thứ năm, việc ủy quyền cho TTHCC nhận thay TTHC là một mô hình mới, chưa có tiền lệ, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và đặc biệt là liên quan đến vấn đề “quyền hạn” và “lợi ích” do đó cần một quyết tâm chính trị cao từ phía lãnh đạo đơn vị và cũng như lãnh đạo TTHCC trong lộ trình xây dựng một nền hành chính công phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, đưa đến những dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất vì người dân.

Thứ sáu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu tiếp nhận đến khâu đóng gói trả kết quả cho công dân, vừa mang lại tiện ích cho công dân, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hạn chế những hiện tượng gây phiền hà cho dân, đồng thời giúp cho các nhà quản lý, lãnh đạo giám sát được tiến độ giải quyết thủ tục hành chính đối với từng hồ sơ. 

Thứ bảy, nâng cấp hệ thống phần mềm hiện tại về việc theo dõi việc giải quyết hồ sơ nhằm thể hiện rõ từng công đoạn giải quyết hồ sơ với thời gian hiển thị cụ thể, cùng với đó là việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận, cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ ở các công đoạn đó. Việc đánh giá này, một mặt góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, mặt khác là để cơ quan, đơn vị cấp trên nghiên cứu, tham khảo khi thực hiện việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ.

Sự ra đời mô hình Trung tâm hành chính công là tất yếu, khách quan và việc TTHCC đứng ra nhận thay TTHC các đơn vị cũng trở thành một xu hướng tất yếu, một mặt để tăng hiệu quả làm việc, giám sát của trung tâm, một mặt giúp các cơ quan, đơn vị chuyên tâm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực được phân công. Việc ủy quyền để Trung tâm HCC nhận thay TTHC, đây là một quyết định táo bạo, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo các đơn vị. Nhưng việc ủy quyền nhận thay TTHC là việc làm mới, chưa có tiền lệ, thực hiện trong điều kiện hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chặt chẽ nên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm và các đơn vị làm sao lấy mục tiêu rút ngắn thời gian thực hiện TTHC và lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phấn đấu, đồng thời, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và phát triển.

Nguyễn Huế

bn-current-user-online-portlet

Online : 3545
Total visited : 151080840