Lý Chiêu Hoàng qua tư liệu Mộc bản triều Nguyễn

16/10/2024 16:18 Số lượt xem: 72

Lý Chiêu Hoàng (1218 - 1278) là nữ hoàng của nước Đại Việt, cũng là Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Lý. Bà là nữ hoàng duy nhất của thời phong kiến Việt Nam. Vua trị vì từ năm 1224 đến năm 1225.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, mặt khắc 32 chép: “Chiêu Hoàng: Trước tên húy là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, con gái thứ của Huệ Tông”

Theo sử sách, vua Lý Huệ Tông không có con trai, Hoàng hậu Trần Thị Dung chỉ sinh cho ông được hai người con gái là Thuận Thiên công chúa và Chiêu Thánh công chúa. Nhà Lý từ đời vua Lý Cao Tông (1175 - 1210) đã bắt đầu đi xuống, giặc cướp nổi lên khắp nơi; đến đời Lý Huệ Tông tình hình càng trầm trọng hơn, loạn lạc không dứt khiến vua phải nhiều phen bôn tẩu, quan lại chia bè kết cánh, các phe phái cát cứ đánh giết lẫn nhau. Để bình ổn đất nước, Lý Huệ Tông phải dựa vào thế lực của họ Trần và từ đó dòng họ này tìm cách tạo dựng vây cánh, thâu tóm quyền bính.

Năm Giáp Thân (1224), bệnh vua ngày càng nặng hơn, quyền hành rơi hết vào tay họ Trần. Tháng 10 cùng năm, dưới sức ép của Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, vua Lý Huệ Tông bị ép nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo, tôn hiệu là Chiêu  Hoàng. Năm Ất Dậu (1225), họ Trần do nắm giữ quyền hành, lần lượt được ban chức tước quan trọng cho con em trong họ, trong số đó có Trần Cảnh - con trai thứ hai của Thái úy Trần Thừa, mới 8 tuổi được đưa vào làm Chánh Thủ hầu gần Chiêu Hoàng. Trần Cảnh cùng gần tuổi với Chiêu Hoàng, được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Về sự kiện này, Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, mặt khắc 32 cũng ghi lại: “Huệ Tông không có con trai nối, lập Hoàng thái tử để truyền ngôi, ở ngôi được 2 năm rồi nhường ngôi cho họ Trần”.

Tháng 11 năm 1225, tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh, trong đó có đoạn viết: “…Trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm, thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi….Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình…”(1)

Năm 1226, Chiêu Hoàng bỏ hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế ở điện Thiên An, dựng lên nhà Trần, sử gọi là Trần Thái Tông. Chiêu Hoàng được Thái Tông lập làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh. Từ đây nhà Lý chính thức chấm dứt sau 216 năm trị vì.


Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, mặt khắc 32

Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu Mộc bản triều Nguyễn về vua Lý Chiêu Hoàng, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.854.577) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

(1) Đại Việt sử ký toàn thư

 

 

Nguyễn Thị Ngọc Mai

Thống kê truy cập

Online : 3403
Đã truy cập : 150688780