Lý Công Uẩn - Danh nhân tiêu biểu vùng Kinh Bắc

09/01/2024 15:23 Số lượt xem: 155

Lý Công Uẩn là tên thật của vua Lý Thái Tổ, vị hoàng đế sáng lập nên nhà Lý trong lịch sử nước ta. Lý Công Uẩn sinh ngày 08/3/974 - mất 31/3/1028. Ông trị vì đất nước dưới triều Lý từ năm 1009 đến năm 1028. Trung tâm Lưu trữ lịch sử xin trân trọng giới thiệu một số thông tin giá trị về thân thế, công lao, những cột mốc quan trọng trong thời gian trị vì của Lý Công Uẩn qua các tư liệu ảnh Mộc bản Triều Nguyễn hiện được lưu giữ tại Trung tâm.

Về thân thế của Lý Công Uẩn, theo ghi chép tại Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “Công Uẩn, người làng Cổ Pháp, thuộc Bắc Giang, tư chất thông sáng, hình dáng tuấn tú khác thường. Khi còn nhỏ, thường học nhà sư Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh lấy làm lạ, nói rằng: “Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước”. Kịp khi lớn lên, Công Uẩn khảng khái, có chí lớn”.


Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 2, mặt khắc 4

Trước khi trở thành vua Lý Thái Tổ. Ông chính là một vị tướng của nhà Tiền Lê. Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh qua đời ở tuổi 35. Con nối ngôi của Lê Long Đĩnh khi ấy còn rất nhỏ. Quan chi nội Đào Cam Mộc cùng sư Vạn Hạnh đã tôn Lý Công Uẩn lên làm vua. Ngày 21 tháng 11 năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, mở ra một triều đại mới của nước Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình).

Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới hai triều Đinh (968 - 979) và Tiền Lê (980 - 1009), nằm ở vùng núi non hiểm trở với địa thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh thắng, thoái có thể bảo vệ). Tuy nhiên đến năm 1010 Lý Thái Tổ cảm thấy vùng đất này chật hẹp, không thể mở mang bờ cõi để làm nơi đô hội. Vì vậy nên ngài đã quyết định dời kinh đô về Đại La (thành Thăng Long). Quyết định dời kinh đô từ vùng núi non hiểm trở đến khu vực đồng bằng cho thấy tầm nhìn và bản lĩnh của Lý Thái Tổ rất cao, đưa ông trở thành vị vua chói sáng nhất trong các vị vua tài giỏi của lịch sử phong kiến nước Nam. 

Bản khắc “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ năm 1010 trong Đại Việt sử ký toàn thư là bản cổ nhất về “Chiếu dời đô” được tìm thấy tính đến thời điểm hiện tại. Toàn bộ bản mộc “Chiếu dời đô” có 214 chữ (không kể phần chú thích): “Xưa, nhà Thương đến dời Bàn Canh 5 lần dời đô; nhà Chu đến đời Thành Vương 3 lần dời đô; đâu phải các vua thời Tam đại đều theo ý riêng của mình mà tự tiện dời đô xằng bậy. Làm như thế cốt là để mưu nghiệp lớn, chọn ở nơi chính giữa, dựng kế cho con cháu muôn đời; trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện lợi thì dời đổi, cho nên vận nước dài lâu, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ của Thương, Chu, cứ chịu đóng đô ở yên nơi đây, đến nỗi vận thế không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không tươi tốt. Trẫm rất đau lòng, không thể không dời đổi. Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực đất trời, được thế rồng chầu - hổ phục, chính giữa Nam - Bắc - Đông -Tây, tiện nghi núi sau - sông trước. Vùng này, mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa; dân cư không phải chịu khổ vì thấp trũng, tối tăm; muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ sao?”


Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ, năm Canh Tuất (1010) - Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 2

Bản khắc “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ năm 1010 là một trong những tài liệu có giá trị đặc biệt. Đây là một minh chứng xác thực về lịch sử thủ đô ngàn năm văn hiến và xác thực về công lao to lớn của vua Lý Thái Tổ.

Sau khi dời đô về Thăng Long, Lý Công Uẩn còn cho khởi công xây dựng các cung điện và các cửa Thành Thăng Long. Theo ghi chép tại Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 2, mặt khắc 10: “Ở trong thành, khởi công xây dựng cung điện: phía trước là điện Càn (Kiền) Nguyên, dùng làm chỗ coi chầu, hai bên tả, hữu làm điện Tập Hiền và điện Giảng Vũ, đều có thềm rồng. Lại mở ba cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân; cửa Đan Phụng thông với cửa Uy Viễn. Đằng sau điện Càn Nguyên có điện Long An và điện Long Thụy, làm chỗ nhà vua nghỉ ngơi. Hai cung Thúy Hoa và Long Thụy để cho các phi tần ở. Lại lập kho đụn, xây thành, đào hào. Mở bốn cửa thành: phía Đông là cửa Tường Phù, phía Tây là cửa Quảng Phúc, phía Nam là cửa Đại Hưng, phía Bắc là cửa Diệu Đức”. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 2, mặt khắc 11 cũng ghi chép về sự kiện này: “Tháng 12, mùa đông, cung Thúy Hoa làm xong”.


Vua Lý Thái Tổ cho khởi công xây dựng các cung điện và các cửa Thành Thăng Long, năm Canh Tuất (1010) - Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 2, mặt khắc 10


Vua Lý Thái Tổ cho xây dựng cung Thúy Hoa, Năm Canh Tuất (1010) - Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 2, mặt khắc 11

Năm Nhâm Tý 1012, Vua Lý Thái Tổ cho sửa điện Long An và Điện Long Thụy: “Tháng 4, sửa lại hai điện Long An và Long Thụy. Hai điện này làm từ năm Thuận Thiên thứ nhất (1010); đến đây sửa lại” (theo Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 2, mặt khắc 14)

Vua Lý Thái Tổ cho sửa điện Long An và Điện Long Thụy, năm Nhâm Tý (1012)

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 2, mặt khắc 14

Năm Giáp Dần 1014, Vua Lý Thái Tổ cho đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyền 2, mặt khắc 7 ghi chép lại như sau: “Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu phát trăm lạng bạc trong kho để đúc hai quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm và tinh lâu Ngũ Phượng. Đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long”.

Vua Lý Thái Tổ cho đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long, năm Giáp Dần (1014) - Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyền 2, mặt khắc 7

10 năm sau, năm Giáp Tý (1024) kinh thành Thăng Long tiếp tục được vua cho sửa chữa (theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyền 2, mặt khắc 9)



Vua Lý Thái Tổ cho sửa chữa kinh thành Thăng Long, năm Giáp Tý (1024) - Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyền 2, mặt khắc 9

Trị vì được 19 năm, vua Lý Thái Tổ được nhận định là một vị vua giỏi của triều Lý mở nên triều đại Lý phồn thịnh trong suốt thời gian hơn 200 năm.Ngoài những công lao to lớn đối với nhà Lý trên phương diện kinh tế, văn hóa, củng cố tư thế độc lập tự chủ dân tộc, ông đã có đóng góp nổi bật mang ý nghĩa lịch sử đó là công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long,mở ra một thời kỳ phát triển thịnh vượng lâu dài của vương triều Lý.Thêm vào đó, nhà vua còn tổ chức được một công trình xây dựng lớn gồm 8 điện và 3 cung, đó là dáng vật chất đầu tiên của Thăng Longngàn năm tuổi - nơi lưu giữ nền văn vật nổi tiếng của cả nước và trở thành biểu tượng hòa bình của thế giới.

Có thể nói, những tư liệu ảnh Mộc bảntriều Nguyễn được chọn lựa và giới thiệu trên chứa đựng những thông tin giá trị về thân thế, sự nghiệp của Đức Thái tổ Lý Công Uẩn - một người con của mảnh đất Bắc Ninh - Kinh Bắc, đồng thời cũng là một nhân vật lịch sử, văn hóa kiệt xuất của cả dân tộc.

Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu trên, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.

Nguyễn Thị Ngọc Mai

Thống kê truy cập

Online : 2947
Đã truy cập : 150726830