Mô hình Trung tâm Hành chính công sau 3 năm thí điểm thành lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

25/06/2020 14:46 Số lượt xem: 274

Ngày 17/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh (sau đây được viết tắt là Trung tâm). Đến năm 2018, 8/8 huyện, thị xã, thành phố; 126/126 xã, phường, thị trấn đã triển khai mô hình Trung tâm Hành chính công và Bộ phận một cửa theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công hướng dẫn công dân.

Những năm qua, được sự chỉ đạo, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự ủng hộ, phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương; sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, thông qua cơ chế quản lý vận hành mới, mọi kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân đã được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật; từng bước làm thay đổi phương thức làm việc; nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ tổ chức, công dân của cơ quan nhà nước các cấp và cán bộ, công chức, viên chức; cải tiến chất lượng phục vụ; từng bước đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và cấp huyện của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, tỷ trọng người dân đánh giá hài lòng về các dịch vụ công đạt trên 90% năm 2018 và 98% năm 2019. Những tiêu chí có tính chất cản trở người dân trong thực hiện các TTHC năm 2019 giảm đáng kể so với năm 2018. Rõ nét nhất là tỷ lệ công chức gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân trong quá trình giải quyết TTHC giảm từ 14,04% (năm 2018) giảm xuống còn 2,35% (năm 2019); tỷ lệ trả thêm chi phí khác ngoài phí/lệ phí quy định giảm từ 2,03% xuống còn 0,94%; tỷ lệ phải sang Sở, đơn vị chuyên ngành giải quyết TTHC giảm từ 9,56% xuống còn 6,67%.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, mô hình Trung tâm Hành chính công đã đạt những kết quả nhất định, được Tỉnh và công dân, doanh nghiệp ghi nhận.

Sảnh đón tiếp công dân.

Thứ nhất, so với việc phải đi lại nhiều nơi như trước đây, bây giờ công dân chỉ cần đến Trung tâm là đầu mối duy nhất tập trung việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính.

Thứ hai, 100%  thủ tục hành chính, quy trình giải quyết đều được công khai – minh bạch(trừ một số TTHC đặc thù phải thực hiện ngoài thực địa và cần cơ sở vật chất đặc biệt đã được UBND tỉnh cho phép)

Thứ ba, việc giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị được giám sát, đôn đốc kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực. Lần đầu tiên có một cơ quan độc lập giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ đó, việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ hồ sơ sớm hạn đạt kết quả cao; giảm tối đa tỷ lệ hồ sơ phải bổ sung, hồ sơ phải trả lại. Năm 2019 trên phần mềm dịch vụ công có 534.190 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết, trong đó: cấp tỉnh: 63.393 hồ sơ; cấp huyện: 259.339 hồ sơ; cấp xã: 211.458 hồ sơ, tỷ lệ trả kết quả sớm trước thời hạn đạt trên 80%, số ngày được rút ngắn trung bình là 2 ngày, thời gian tiết kiệm được trong quá trình giải quyết khoảng 854.704 ngày làm việc/năm.

Thứ tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các sáng kiến, sáng tạo vào quá trình hoạt động. Kể từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm vừa phải làm quen mô hình mới; vừa phải học hỏi, sáng tạo để thay đổi cách thức làm việc nhằm đem lại hiệu quả cao hơn. Trung tâm đã mạnh dạn đề xuất và đưa vào áp dụng nhiều sáng kiến với những giải pháp sáng tạo như: Sáng kiến thu phí lệ phí bằng biên lai tự in trên phần mềm một cửa điện tử; áp dụng giải quyết thủ tục hành chính “4 tại chỗ”; Thông tin hồ sơ sắp hết hạn giải quyết đến các cơ quan, đơn vị; Thông báo kết quả giải quyết TTHC bằng tin nhắn đến công dân; Thông báo công khai kết quả giải quyết TTHC trên mạng; Tiếp nhận thay hồ sơ giải quyết TTHC đối với những đơn vị phát sinh ít hồ sơ và những thủ tục hành chính giải quyết đơn giản; thực hiện tinh giản biên chế mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết công việc của các cơ quan chuyên môn.

Thứ năm, Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động của Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã. Việc áp dụng phần mềm “Một cửa điện tử” thống nhất dùng chung từ tỉnh xuống xã; Ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính song song; lập bản đồ, số hóa quy trình giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho việc đôn đốc, theo dõi, kiểm tra được khách quan hơn.

Công dân ngồi đợi trong khi chờ đến lượt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) vai trò, chức năng, quyền hạn được giao của Trung tâm còn hạn chế; chưa có quy định cụ thể thống nhất tổ chức từ tỉnh đến xã. Trung tâm không có chức năng kiểm soát thủ tục hành chính nên rất hạn chế trong việc thay đổi, cập nhật thủ tục hành chính, đồng thời khó khăn trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị đề xuất cải cách thủ tục hành chính như: giảm thời gian giải quyết; cải tiến quy trình xử lý TTHC; cắt giảm các thành phần hồ sơ trùng lặp... (2)  tính liên thông trong xử lý công việc còn hạn chế; việc phối hợp giải quyết các TTHC có liên quan giữa các cơ quan hành chính có lúc, có nơi chưa thống nhất, việc thực hiện giải quyết các TTHC liên thông giữa các cấp, các ngành thuộc tỉnh với các cơ quan của trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương còn khó khăn.

Phòng tiếp nhận thủ tục hành chính của các cơ quan đơn vị.

Việc rà soát, công bố TTHC ở một số lĩnh vực chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, dẫn đến nhiều TTHC không có hồ sơ giao dịch nhưng vẫn phải thực hiện công bố, kiểm soát gây lãng phí và khó kiểm soát; vẫn còn hồ sơ quá hạn, do ở cấp tỉnh chủ yếu là các thủ tục phải xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương. (3)  đầu mối tiếp xúc của người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu được giải quyết ở một số TTHC chưa giảm mà chỉ là thay đổi cách tiếp xúc. (4) các biện pháp triển khai “4 tại chỗ” chưa quyết liệt, khoa học như: việc phân cấp, ủy quyền chưa đảm bảo cán bộ làm việc tại Trung tâm có đủ thẩm quyền hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý; chưa ứng dụng chữ ký số trên phần mềm Dịch vụ công... (5) việc ứng dụng, khai thác các thiết bị CNTT của người dân chưa cao; còn có sự phân tán trong quản lý, cung cấp thông tin, tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các ứng dụng do Bộ, ngành quản lý với các ứng dụng do địa phương tự xây dựng; dẫn đến tổ chức, cá nhân không thể theo dõi được tình trạng hồ sơ.

Công dân nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Từ những hiệu quả hoạt động trong giải quyết TTHC và cảm nhận của người dân đối với dịch vụ công của tỉnh, có thể thấy mô hình Trung tâm Hành chính công là giải pháp hiệu quả trong đổi mới phương thức làm việc và thể hiện sự năng động của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bắc Ninh, góp phần tạo chuyển biến làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền với tổ chức, công dân, tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn, phát huy quyền dân chủ, tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Ninh.

Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Lãnh đạo Trung tâm Hành chính công đã đưa ra giải pháp cụ thể như sau:

1, Tiếp tục hoàn thiện, bố sung các giải pháp về thể chế

2, Tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất chuyên dụng phục vụ hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã đảm bảo đồng bộ, hiện đại theo hướng tập trung, phục vụ chuyên nghiệp. Đầu tư cơ sở vật chất nâng cấp, cải tạo phòng tiếp nhận tại Bộ phận một cửa cấp xã (theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/03/2015 của Thủ tướng chính phủ). Đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn có diện tích phòng tiếp nhận và giải quyết TTHC đạt tiêu chuẩn theo quy định.

3, Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC

4, Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đảm bảo 100% công chức, viên chức, người lao động làm việc tại TTHCC các cấp và bộ phận một cửa cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng phần mềm; đảm bảo đủ trình độ để có thể sử dụng một cách thành thạo phần mềm ứng dụng và các thiết bị tin học có liên quan phục vụ công việc. 100% cán bộ, công chức chuyên môn có tham gia vào quy trình giải quyết TTHC ở các cấp được đào tạo, hướng dẫn sử dụng các thao tác trên phần mềm ứng dụng đặc biệt là việc tiếp nhận, giải quyết TTHC đã được cung cấp dịch vụ qua mạng.

5, Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với Đài truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí trung ương, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền thông qua chuyên mục về CCHC. Đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp; ngăn ngừa các việc làm của các cơ quan Nhà nước có thể gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngày 18/6/2020 Tại Hội thảo “Bắc Ninh cải thiện môi trường kinh doanh, động lực mới thu hút đầu tư và phát triển” do UBND tỉnh tổ chức, đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND đánh giá cao hiệu quả mô hình hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã đồng thời giao cho Trung tâm Hành chính công tỉnh 2 nhiệm vụ lớn trong thời gian tới:

1, Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng Đề án bổ sung chức năng, nhiệm vụ về kiểm soát TTHC và một số nhiệm vụ về cải cách TTHC đối với Trung tâm Hành chính công các cấp.

2, Thực hiện hiệu quả việc giải quyết TTHC “4 tại chỗ”.

Mô hình Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện phát huy những kết quả đạt được để tạo niềm tin và đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tạo tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo./.

Theo TTHCC tỉnh

Thống kê truy cập

Online : 3320
Đã truy cập : 150755397