Sông Thiên Đức qua di sản tư liệu thế giới
Thiên Đức là tên con sông nổi tiếng, là huyết mạch nối hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Sông Thiên Đức chảy dài gần 70km từ ngã ba Dâu (giữa quận Long Biên và huyện Đông Anh, Hà Nội) đến ngã ba thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nằm ở trung tâm những vùng văn hóa lâu đời của người Việt, sông còn có nhiều tên gọi khác như sông Đuống, sông Triêm Đức, hay Thiên Đức Giang…. quá trình khơi thông, đào vét cũng như thay đổi tên gọi đã được nhắc tới nhiều lần trong Mộc bản, Châu bản Triều Nguyễn.
Theo Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 2, mặt khắc 11: “Sông Thiên Đức: có tên nữa là sông Diên Uẩn hoặc sông Đông Ngàn. Đó là dòng sông do sông Nhị Hà tách ra, chảy qua huyện Đông Ngàn và huyện Quế Dương đổ vào sông Lục Đầu. Bây giờ gọi là sông Triêm Đức, tỉnh Bắc Ninh”.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 2, mặt khắc 11 Mộc bản Triều Nguyễn
Là một nhánh lưu của sông Nhị Hà (sông Hồng), hàng năm lượng nước và phù sa từ sông Nhị Hà chảy vào khá lớn nên dòng sông luôn trong tình trạng bị bồi lấp bởi lượng phù sa đổ về. Do đó, mỗi khi mưa lũ dòng chảy bị tắc không lối thoát, nước dâng cao gây ra ngập lụt trên diện rộng khiến đời sống của dân cư dọc bờ sông Thiên Đức gặp không ít khó khăn. Với vị trí vừa làm đường giao thông vừa lấy nước tưới cho đồng ruộng, dòng sông đã nhiều lần phải dụng công sức của rất nhiều người ngay từ khi còn tên sơ khai là Thiên Đức. Dựa trên những văn bản còn lưu giữ được, sông Thiên Đức được chú trọng từ thời Lý. Từ thời Lý, Trần, năm nào sông cũng được khơi thông “…Ấy là bởi công việc khơi sông tự cổ đã có…Từ đầu đời Trần đến nay, trải các đời đều có bồi đắp tu sửa đê điều để che chắn cho dân, bảo vệ nông nghiệp”(1). Đến thời Nguyễn, công việc trên lại tiếp tục được tiến hành. Điều này cho thấy đến thời nhà Nguyễn, rất khuyến khích công việc khai hoang và thủy lợi, đặc biệt là hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở vùng Bắc Bộ.
Theo sử liệu ghi vào năm Gia Long thứ 9, tức năm 1810, cửa sông Thiên Đức bị ứ lấp, mưa lụt làm hại, vua Gia Long đã lệnh cho sai phát 3000 phương gạo cấp để khai thông dòng sông (2).
Ngày 15 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), Quan đê chánh Bắc thành Lê Đại Cương làm bản tấu trình về tình hình của dòng sông “…Cửa sông đó có một đoạn nguyên là ngang ra, khiến thế nước không thuận nên đã bị đất lấp. Lòng sông ở hạ lưu thì vẫn còn nhưng nhiều đoạn quanh co…” cần “khơi rộng phía dưới sông, nắn thẳng những đoạn quá quanh co”(3). Nhận thấy giá trị to lớn của sông Thiên Đức, vua Minh Mệnh đã phê rằng: “Truyền giao cho đình thần xem xét kĩ, phải nghị bàn, rồi tâu trình lên”(4). Hiểu được nỗi băn khoăn của vua, đến ngày 5/9 cùng năm, Đình thần đã làm một bản tấu trình đại ý đồng ý với phương án nắn chỉnh, nạo vét của Quan đê chánh Bắc Kỳ. “Nay chúng thần tuân mệnh xem xét, lần này khai sông Thiên Đức đem lại lợi ích to lớn cho muôn đời sau. …Cửa sông mở ở chỗ nào, đoạn nào quá hẹp cần đào cho rộng thêm. Đoạn nào nông tắc cần đào rộng và sâu thêm. Đoạn nào quanh co cần khai cho thẳng hết, hai bên bờ sông cần đắp đê ngăn giữ thế nào.. Tất cả phải vẽ thành bản đồ để ước tính tổn phí và công sức…”(5).
Mùa xuân năm Minh Mệnh thứ 11, tức năm 1830, Tổng trấn Phan Văn Thúy phụng chỉ xin phái thống quản trung quân Lê Văn Qúy đốc 1000 người biền binh thuộc thành tiến hành nạo vét cửa sông Thiên Đức, làm hơn 1 tháng thì xong, thưởng cho biền binh một vạn ba trăm quan tiền (6).
Nhưng với lượng phù sa bồi đắp hàng năm rất lớn, nên sông Thiên Đức hễ cứ khai rồi lại bồi lấp, vấn đề làm cho các vua nhà Nguyễn luôn trăn trở. Sang thời vua Tự Đức, việc khơi dòng Thiên Đức lại tiếp tục được đưa ra bàn định. Ngày 06 tháng 02 năm Tự Đức thứ 12 (1859), bản tấu trình của Bộ Hộ cho biết: “về việc đào vét đoạn trên của Sông Thiên Đức nên cần gấp rút thu thuế ruộng ở các tỉnh Nam Định, Hà Nội để lấy tiền chi phát cho công thợ”
Bản tấu ngày 06 tháng 02 năm Tự Đức thứ 12 (1859) Châu bản Triều Nguyễn
Ngày 29 tháng 12 năm Tự Đức thứ 12 (1859), Nội Các có bản phụng dụ “về việc cử Nguyễn Văn Vỹ cùng Nguyễn Tư Giản lo tính việc đào vét sông Thiên Đức và xin thu thuế ruộng ở Bắc Kỳ để lấy kinh phí thuê nhân công”.
Bản phụng dụ ngày 29 tháng 12 năm Tự Đức thứ 12 (1859) Châu bản Triều Nguyễn
Bản Phúc ngày 26 tháng 12 năm Tự Đức thứ 14 (1861) của Bộ Công về việc cho đổi tên sông Thiên Đức thành sông Triêm Đức Châu bản Triều Nguyễn
Cũng dưới thời Tự Đức, sông Thiên Đức được đổi tên thành sông Triêm Đức.
Có thể nói, sông Thiên Đức từ một dòng sông hung dữ, nhờ trải qua nhiều đợt cải tạo lớn nhỏ ở trong lịch sử và đặc biệt là dưới thời các đời vua nhà Nguyễn đã góp phần tạo nên một dòng sông thơ mộng, nước chảy hiền hòa như ngày nay. Dòng Thiên Đức là dòng chảy lưu thông văn hóa - lịch sử của quá trình phát triển, lắng đọng trầm tích của hàng nghìn năm của người Việt.
Hiện nay, trong khối tư liệu ảnh Mộc bản, Châu bản đang được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử về lịch sử tỉnh Bắc Ninh thì tư liệu về sông Thiên Đức cùng với một số dòng sông, địa danh khác... mang ý nghĩa to lớn khi tìm hiểu về miền quan họ Bắc Ninh - Kinh Bắc. Cùng với đó là hơn 70 bức ảnh về phong cảnh, đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Ninh thời kỳ trước năm 1945.
Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu ảnh trên, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.
Tài liệu tham khảo:
1,2,3,4,5,6: Phông Châu bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I