Tình hình thay đổi đơn vị hành chính ở huyện Quế Võ

14/06/2018 13:54 Số lượt xem: 2595

Tên huyện Quế Võ có từ năm 1962 trên cơ sở hợp nhất hai huyện Quế Dương và Võ Giàng  thành một huyện.

Về huyện Quế Dương. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” tập IV (NXB Khoa học xã hội, H.1971,tr 55), huyện Quế Dương được thành lập trên cơ sở địa phận cũ của châu Vũ Ninh. Thời thuộc Minh (1414-1427), gọi là huyện Từ Sơn. Từ đầu thời Lê (thế kỷ XV), theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, huyện Quế Dương có 45 xã. Trong bản đồ thời Hồng Đức (cuối thế kỷ XV), huyện Quế Dương cũng có 45 xã. Đầu thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), huyện có 9 Tổng, 46 xã thôn: Tổng Đại Toán có 5 xã (Đại Toán, Quế Ổ, Mai Ổ, Đức Tái, Ngâm Mạc); Tổng Lãm Sơn Nam có 5 xã (Lãm Sơn Nam, Lãm Sơn Trung, Lãm Sơn Đông, Đông Dương, Lãm Sơn Dương. Xã Lãm Sơn Dương năm 1807 phiêu tán, năm 1808 phục hồi); Tổng Vân Mẫu có 4 xã: Vâm Mẫu, Vân Mỗi, Lãm Dương,Chu Mẫu (xã Chu Mẫu phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi); Tổng Bồng Lai có 7 xã: Từ Sơn, Đông Du, Cách Bi, Cẩm Chàng, Mai Cương, Bồng Lai (xã Bồng Lai phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi), An Đặng; Tổng Tri Nhị có 4 xã: Tri Nhị, Địa Nhị, Phúc Lão, Ngô Xá (xã Ngô Xá phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi); Tổng Quảng Lãm có 6 xã: Quảng Lãm, Hán Đà, Nga Hoàng, Yên Giả, La Miệt, Phù Lưu; Tổng Đào Thông có 5 xã: Đào Thông, Vân Đoàn, Vệ Xá, Phả Lại, Châu Cầu; Tổng Mộ Đạo có 5 xã: Mộ Đạo, Đô Đàn, Phúc Thực, Trạc Nhiệt, Trúc Ổ (xã Trúc Ổ phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi); Tổng Vũ Dương có 5 xã: Vũ Dương, Hồng Mao, Nghiêm Xá, Dũng Quyết, Can Vũ.

 Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) huyện Quế Dương thuộc phân phủ Từ Sơn. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) bãi bỏ phân phủ, huyện Quế Dương được tổ chức lại và do một Tri huyện cai trị. Năm 1886, huyện có 9 tổng, 46 xã như đầu thế kỷ XIX, nhưng có một số xã được đổi tên mới: Vân Mỗi đổi là Vân Mẫu, Chu Mẫu đổi là Vân Hợp, Địa Nhị đổi là Ích Nhị, Ngô Xá đổi là Thi Xá, Hồng Mao đổi là Phượng Mao, Phù Lưu đổi là Hương Lưu, Đào Thông đổi là Đào Hương, Phúc Thực đổi là Tập Ninh. Đầu thế kỷ XX, huyện Quế Dương có 6 tổng. 4 tổng cũ được chuyển sang huyện khác: tổng Tri Nhị được chuyển về huyện Gia Bình, các tổng: Lãm Sơn Nam, Vân Mẫu, Quảng Lãm được chuyển về huyện Võ Giàng; đồng thời, chuyển tổng Phù Lương của huyện Võ Giàng về huyện Quế Dương. 6 tổng của huyện Quế Dương khi đó là: Đại Toán, Bồng Lai, Đào Thông, Mộ Đạo, Vũ Dương, Phù Lương.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, đơn vị hành chính cấp xã cũ được giữ nguyên và trực thuộc huyện Quế Dương. Năm 1948, một số xã nhỏ (tương đương với đơn vị làng) được sáp nhập lại thành xã lớn. Một số xã lấy lại tên cũ: Bồng Lai (bao gồm một số làng thuộc tổng Bồng Lai) lấy lại tên tổng Bồng Lai , Cách Bi (bao gồm một số làng thuộc tổng Bồng Lai) lấy lại tên xã Cách Bi (cũ), Đào Viên (lấy lại tên tổng Đào Viên), Mộ Đạo ( bao gồm 4 làng của tổng Mộ Đạo và một số xã của tổng Đại Toán) lấy lại tên xã Mộ Đạo, Phù Lương (gồm 2 làng của tổng Phù Lương) lấy lại tên tổng Phù Lương. Các xã còn lại được đặt tên mới: Chi Lăng (gồm 3 làng của tổng Đại Toán và 2 làng của tổng Mộ Đạo),  Châu Phong (bao gồm một số làng của tổng Đào Viên), Đức Long (bao gồm một số làng của tổng Đào Viên), Phượng Mao (gồm 2 làng của tổng Vũ Dương), Việt Hùng (gồm 3 làng của tổng Vũ Dương), Phù Lãng (gồm 3 làng của tổng Phù Lương), Ngọc Xá (gồm 3 làng của tổng Phù Lương), Châu Phong (gồm một số làng của tổng Phù Lương).

Huyện lỵ Quế Dương được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) ở địa phận xã Nghiêm Xá và xã Can Vũ, tổng Vũ Dương. Thành đất hình vuông, mỗi chiều dài 18 trượng, chu vi rộng 72 trượng, cao 6 thước, dày 1 trượng, xung quanh có hào bao bọc, mỗi chiều rộng 1 trượng, sâu 3 thước, mở cửa tiền và cửa hữu.

Trước khi hợp nhất huyện, huyện lỵ Quế Dương vẫn đóng ở địa phận 2 làng Nghiêm Xá và Can Vũ.

          Về huyện Võ Giàng. Trước năm 1533 huyện có tên là Vũ Ninh. Từ năm 1533 trở đi vì kỵ quốc huý (tên của vua Lê Trang Tông là Duy Ninh) nên mới đổi là Vũ Giang (thường đọc là Võ Giàng). Đầu thế kỷ XV, huyện có 82 xã. Vào thời Hồng Đức, (cuối thế kỷ XV) huyện Vũ Ninh có 44 xã. Đầu thế kỷ XIX, huyện Võ Giàng có 6 tổng 43 xã thôn: Tổng Đỗ Xá có 8 xã: Đỗ Xá, Y Na, Cô Mễ, Vĩ Vũ, Đại Vũ, Thanh Sơn, Thị Cầu, Đáp Cầu; Tổng Đạo Du có 4 xã: Đạo Du, Kim Đôi, Quỳnh Đôi, Ngọc Đôi; Tổng Quế Tân có 7 xã: Quế Tân, Yên Lâm, Bằng Lâm, Hoàng Xá, Xuân Thuỷ, Lễ Độ, Đông Viên (xã Đông Viên phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi); Tổng Đại Liễn có 7 xã: Đại Liễn Thượng, Vĩnh Thế, Đồng Xuyết,Việt Vân, Cung Kiệm, Đô Thống, Đại Liễn Hạ (hai xã Đô Thống và Đại Liễn Hạ phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi); Tổng Bất Phí có 7 xã: Bất Phí, Xuân lôi, Hà Liễu, Giang Liễu, Phương Cầu, Miêu Nha, Yên Ngô (xã Yên Ngô phiêu tán năm 1807, năm 1808 phục hồi); Tổng Phù Lương có 10 xã: Phù Lương, Cựu Tự, Minh Lương, Đồng Sài, Phù Lãng, Thất Gian, An Xá, Phùng Dực, Yên Đinh, Văn Phong.

 Theo sách “Đồng Khánh địa dư chí”, năm 1886, huyện Võ Giàng có 6 tổng 47 xã, thôn. Tổng Quế Tân có thêm xã Đông Viên, tổng Bất phí có một số thay đổi: xã Xuân Lôi được phân thành 3 thôn (Xuân Bình, Công Cối, Ngư Đại), không thấy ghi xã Yên Ngô, nhưng lại ghi xã Xuân Hoà; tổng Đại Liễn thêm xã Yên Ngô, tổng Quế Tân có thêm xã Đông Viên. Có một số tổng, xã được đổi tên: Đại Vũ đổi là Đại Tráng, Vĩ Vũ đổi là Phương Vĩ, Đạo Du đổi là Đạo Chân, Hoàng Xá đổi là Lạc Xá, Đô Thống đổi là Thống Thiện, An Xá đổi là An Trạch, Văn Phong đổi là Hữu Bằng, Phùng Dực đổi là Bằng Dực.

 Đầu thế kỷ XX, huyện Võ Giàng có 6 tổng: tổng Đỗ Xá có 8 xã thì 3 xã Đỗ Xá, Đáp Cầu, Thị Cầu thuộc thị xã Bắc Ninh; tổng Đạo Chân có 4 xã, tổng Quế Tân có 6 xã thôn, tổng Đại Liễn có 7 xã, Tổng Bất Phí có 7 xã; các tổng Quảng Lãm, Sơn Nam và Vân Mẫu đã tách khỏi huyện Quế Dương năm 1905 để nhập vào huyện Võ Giàng. Tổng Khắc Niệm được tách khỏi huyện Tiên Du vào năm 1890 để nhập vào huyện Võ Giàng. Tổng Châm Khê trước 1890 thuộc huyện Yên Phong nay lại trở về Võ Giàng, tách tổng Phù Lương về huyện Quế Dương. Đầu thế kỷ XX, tổng Đỗ Xá được chuyển về thị xã Bắc Ninh để trở thành  phố Đỗ Xá.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, đơn vị hành chính cấp xã cũ được giữ nguyên và trực thuộc huyện Võ Giàng.

Thực hiện Sắc lệnh số 201 ngày 15 tháng 10 năm 1946 của Chủ tịch Chính phủ,  hai xã Vân Khám và Hiên Ngang thuộc huyện Võ Giàng được sáp nhập vào huyện Tiên Du.

Ngày 14 tháng 4 năm 1948, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 162-SL về việc giải tán thị xã Bắc Ninh và sửa đổi địa giới như sau: địa hạt thị xã Bắc Ninh và các xã thuộc huyện Võ Giàng ở bên trái đường xe hỏa Hà Nội- Lạng Sơn sáp nhập vào huyện Yên Phong về phương diện hành chính và kháng chiến; địa hạt thị xã Bắc Ninh và các xã thuộc huyện Võ Giàng ở bên phải đường xe hỏa Hà Nội- Lạng Sơn sáp nhập vào huyện Võ Giàng về phương diện hanh chính và kháng chiến. 

Năm 1948, một số xã nhỏ được hợp nhất lại thành xã lớn: Kim Quỳnh Ngọc, Cộng Hòa, Quế Lạc, Bất Phí, Đông Viên, Đô Thống, Khắc Niệm, Vân Dương, Nam Sơn, Tân Dân, Hán Quảng, Bằng An, Đại Phúc, Vũ Ninh.

Ngày 09 tháng 7 năm 1949, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu I ban hành Quyết định số 422pc/2 hợp nhất một số xã. Theo đó, các xã sau đây được hợp nhất lại: 3 xã Hòa Đình, Xuân Ổ, Bồ Sơn hợp nhất lại lấy tên là xã Võ Cường, xã Kim Quỳnh Ngọc hợp nhất với xã Phương Châm lấy tên là xã Kim Chân, 3 xã Giang Liễu, Hà Liễu, Ro Thượng hợp nhất lấy tên là xã Quốc Thắng, 3 xã Ngọc Liên, Xuân Lôi, Xuân Hòa hợp nhất lấy tên là xã Đại Xuân, xã Cộng Lạc hợp nhất với xã Quế Lạc lấy tên là xã Cộng Lạc (một thời gian sau đổi là Quốc Tuấn), xã Bất Phí đổi tên là xã Nhân Hòa, xã Đông Viên hợp nhất với xã Đô Thống lấy tên là xã Việt Thống. Còn 8 xã khác giữ nguyên, đó là các xã: Khắc Niệm, Vân Dương, Nam Sơn, Tân Dân, Hán Quảng, Bằng An, Đại Phúc, Vũ Ninh.

Ngày 9 tháng 3 năm 1957, Chính phủ ban hành Nghị định số 078-TTg về việc trả về các huyện cũ những thôn sáp nhập vào thị xã Bắc Ninh trong thời kỳ kháng chiến. Theo đó, các thôn: Bồ Sơn, Hoà Đình, Khả Lễ thuộc xã Võ Cường; thôn Phúc Đức thuộc xã Đại Phúc. Riêng thôn Phương Vĩ thuộc xã Kim Chân huyện Võ Giàng vẫn để ở thị xã Bắc Ninh. Theo Nghị định số 176-TTg, ngày 26 tháng 4 năm 1957 của Chính phủ, thôn Xuân Ổ trước đây được nhập vào xã Vân Tương huyện Tiên Du nay được trả về xã Võ Cường huyện Võ Giàng.

Ngày 27 tháng 2 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 30-CP, đưa Ấp Hôm thuộc xã Đức Thành huyện Quế Dương về xã Tân Lập huyện Gia Lương; đưa Ấp Găng xã Đức Thành về xã Thái Bảo huyện Gia Lương.

Năm 1962, sáp nhập hai huyện Quế Dương và Võ Giàng thành một huyện lấy tên là huyện Quế Võ.

Năm 1972, một số xã đổi lại tên: Quốc Thắng đổi là Phương Liễu, Quốc Tuấn đổi là Quế Tân, Tân Dân đổi là Yên Giả, xã Đức Thành đổi là xã Đào Viên.

Ngày 3 tháng 5 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 130-HĐBT về việc điều chỉnh địa giới các huyện Tiên Sơn, Quế Võ và thị xã Bắc Ninh. Theo đó, xã Đại Phúc thuộc huyện Quế Võ được sáp nhập vào thị xã Bắc Ninh. Tại thời điểm đó, huyện Quế Võ có 23 đơn vị hành chính trực thuộc. Đó là các xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Chi Lăng, Châu Phong, Đức Long, Đào Viên, Đại Xuân, Hán Quảng, Kim Chân, Mộ Đạo, Nhân Hoà, Nam Sơn, Ngọc Xá, Phượng Mao, Phương Liễu, Phù Lãng, Phù Lương, Quế Tân, Vân Dương, Việt Hùng, Việt Thống, Yên Giả.

Ngày 7 tháng 10 năm 1995, thị trấn phố Mới- thị trấn huyện lỵ huyện Quế Võ được thành lập trên cơ sở 77 ha  diện tích tự nhiên và 1.863 nhân khẩu của xã Việt Hùng; 197 ha diện tích tự nhiên và 2.469 nhân khẩu của xã Phượng Mao. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Việt Hùng còn lại 830 ha diện tích tự nhiên và 8.416  nhân khẩu; xã Phượng Mao có 382,72 ha diện tích tự nhiên và 3.342 nhân khẩu. Tại thời điểm đó,  Huyện Quế Võ có 24 đơn vị hành chính trực thuộc.

Ngày 9 tháng 4 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Yên Phong, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du để mở rộng thành phố Bắc Ninh. Theo đó, từ ngày 25 tháng 4 năm 2007, toàn bộ dân số và diện tích các xã: Kim Chân, Vân Dương, Nam Sơn, bao gồm 18.155 nhân khẩu và 2.190,45 ha diện tích tự nhiên trực thuộc thành phố Bắc Ninh. Đến thời điểm đó, huyện Quế Võ có 21đơn vị hành chính trực thuộc. Đó là các xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Chi Lăng, Châu Phong, Đức Long, Đào Viên, Đại Xuân, Hán Quảng, Mộ Đạo, Nhân Hoà, Ngọc Xá, Phượng Mao, Phương Liễu, Phù Lãng, Phù Lương, Quế Tân, Việt Hùng, Việt Thống, Yên Giả và thị trấn Phố Mới.

Địa giới huyện Quế Võ: phía Đông giáp huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, phía Tây giáp huyện Tiên Du, phía Nam giáp huyện Gia Bình, huyện Thuận Thành, phía Bắc giáp huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang và TP Bắc Ninh.

Từ năm 1881 trở về trước, huyện lỵ của huyện đóng ở xã Đỗ Xá. Đến năm Tự Đức thứ 43 (năm 1882) chuyển về địa phận xã Thị Cầu. Sau khi huyện Quế Dương và huyện Võ Giàng được sáp nhập lại, huyện lỵ được đặt tại xã Việt Hùng (nay là thị trấn Phố Mới).

Cho đến nay, huyện lỵ huyện Quế Võ đóng tại thị trấn Phố Mới.

Đến ngày 01 tháng 4 năm 2009, dân số cả huyện có 135.519 nhân khẩu (trong đó có 66.416 nam, 69.103 nữ).

Nguyễn Quang Khải

Thống kê truy cập

Online : 3445
Đã truy cập : 151064968