Di tích chùa Dạm trong di sản tư liệu thế giới - Mộc bản triều Nguyễn

14/06/2023 13:50 Số lượt xem: 514

Chùa Dạm, xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh với lịch sử gần 1.000 năm. Cùng với chùa Phật Tích và một số chùa khác đã làm nên hệ thống Phật giáo hoàng gia trên vùng đất tổ cố hương của Vương triều nhà Lý.

Chùa Dạm tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, (được gọi là chùa Lãm Sơn theo tên núi).  Theo thư tịch, sử sách như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí thì vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085), Nguyên phi nhà Lý Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa,  khởi công xây dựng từ năm 1086-1094. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 11 còn ghi chép về sự kiện này một cách ngắn gọn như sau: “Làm chùa ở núi Đại Lãm”.

Trong quá trình xây dựng chùa, vua Lý Nhân Tông đến thăm ngôi chùa đang  xây năm Đinh Mão (1087). Trong Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 45,46 có ghi cụ thể về sự kiện này: “Tháng 10, mùa đông, mở yến tiệc thết các bầy tôi tại chùa Lãm Sơn. Năm Quảng Hựu thứ 2 (1087), làm chùa này; đến đây ngự giá tới chơi, đêm mở yến tiệc thết quân thần. Nhà vua có làm thơ “Lãm Sơn dạ yến”.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 45,46

Cũng theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, thì quá trình xây dựng chùa Lãm Sơn rất công phu và kéo dài trong nhiều năm liền. Sau khi khởi công xây dựng hai năm, tức vào năm Mậu Thìn (1088), vua Lý Nhân Tông cho xây tháp ở chùa: “Mùa đông, tháng 10, xây tháp chùa Lam Sơn”.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 12

Tháng 4, năm Giáp Tuất (1094), tháp ở chùa Lãm Sơn mới được xây xong. Đến mùa thu, tháng 9 năm Ất Dậu (1105), vua Lý Nhân Tông lại tiếp tục cho làm ba ngọn tháp chỏm đá. Như vậy, trải qua gần 20 năm xây dựng, chùa Lãm Sơn mới được hoàn thành. Chùa Lãm Sơn được xem là một trong những đại danh lam, trung tâm phật giáo của Việt Nam lúc bấy giờ.

Trong suốt thời gian dài, chùa Lãm Sơn luôn nhận được sự chiếu cố đặc biệt của Triều đình, được gia công mở mang quy mô. Trải qua hơn 9 thế kỷ, chùa có nhiều tên gọi: chùa Dạm, Cảnh Long Đồng Khánh tự, chùa Tấm Cám.

Trong kháng chiến chống Pháp, Chùa  bị phá hủy hoàn toàn, nên ngày nay chỉ còn lại những dấu tích: các lớp nền đá nguyên gốc, cột đá chạm hình rồng, gạch ngói, đất nung có chạm rồng và một số hình tượng các con thú bằng đất nung, giếng bống, pho tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông… Di vật trứ danh nhất ở chùa Dạm còn lại là một cột đá cao 5m (không kể phần ngọn đã bị gãy nát), kết cấu hai phần: khối hộp vuông ở dưới gắn với lớp đá mạ và khối trụ tròn ở trên có đường kính 1,5m. Cột đá này đã được công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2017.

Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc biệt, chùa Dạm đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964. Sau khi hòa bình ngôi chùa cũng được nhân dân địa phương đóng góp xây dựng lại làm nơi thờ tự Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông. Đến năm 2015, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành phục dựng chùa Dạm trên diện tích 198 ha với 12 hạng mục chính trở thành một trung tâm tín ngưỡng Tôn giáo với quy mô, bề thế thu hút Phật tử trong và ngoài nước, góp phần thu hút du khách xuôi về miền quan họ… Đặc biệt, với những gì còn sót lại của ngôi chùa một thời lừng danh, chùa Dạm vẫn là ngôi chùa lưu giữ những vết tích hào hùng, oanh liệt đại diện cho vương triều Lý hào hùng, ghi dấu huy hoàng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Có thể thấy, trong khối tư liệu ảnh Mộc bản đang được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử thì những tư liệu về chùa Dạm mang ý nghĩa vô cùng to lớn khi tìm hiểu về Phật giáo, về miền quan họ Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Ngoài khối tài liệu Mộc bản về di tích lịch sử chùa Dạm, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Bắc Ninh đang lưu giữ nhiều tư liệu ảnh Mộc bản, Châu bản về những dấu mốc lịch sử Bắc Ninh từ sơ sử cho đến Triều Nguyễn, các di tích khác gắn liền với cội nguồn dân tộc và lưu danh những người con ưu tú của Bắc Ninh từ những bậc đế vương có công khai mở nền văn minh Đại Việt đến những anh hùng, hào kiệt, danh nhân tiêu biểu. Cùng với đó là hơn 70 bức ảnh về phong cảnh, đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Ninh thời kỳ trước năm 1945.

Tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu ảnh trên, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.

Ngô Thị Thúy Chinh

Thống kê truy cập

Online : 3561
Đã truy cập : 150750528