Kinh Dương Vương qua di sản tư liệu thế giới
Trong khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 2009 có một số ghi chép về Kinh Dương Vương. Việc tìm thấy tấm Mộc bản khắc về Kinh Dương Vương đã góp thêm vào nguồn sử liệu chính thống, một tư liệu quan trọng để khảo cứu về nhân vật truyền thuyết trong lịch sử này. Nhằm kính dâng lên đức thủy tổ của dân tộc Việt Nam nhân ngày giỗ của người (18 tháng 01 âm lịch), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Ninh giới thiệu một số tư liệu ảnh do Mộc bản triều Nguyễn về Đức thủy tổ Kinh Dương Vương:
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1 ghi chép rất rõ về cội nguồn dân tộc ta - Đức thủy tổ Kinh Dương Vương: “Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân lần đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua (Kinh Dương Vương).Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho Đế Nghi, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Ðế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ”.
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1 về Đức thủy tổ Kinh Dương Vương
Như vậy, theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư thì Kinh Dương Vương làm vua và cai trị đất nước Xích Quỷ từ khoảng năm 2879 trước Công nguyên trở đi. Địa bàn hoạt động của quốc gia Xích Quỷ dưới thời Kinh Dương Vương rất rộng lớn; phía Bắc là miền đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp hồ Động Đình; phía Nam giáp với Lâm Ấp (Chiêm Thành cũ); phía Tây giáp đất Ba Thục; phía Đông giáp biển Đông. Sách Lĩnh Nam chích quái có ghi lại truyền thuyết vua đánh đuổi thần Xương Cuồng dũng mãnh, trừ hại cho dân chúng.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 53, mặt khắc 25 có chép về việc đền thờ Kinh Dương Vương được cấp 20 miếu phu, năm Ất Tỵ (1845)
Kinh Dương Vương mất ngày 18 tháng 1 tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh và được nhân dân kính cẩn lập miếu thờ. Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 53, mặt khắc 25 có chép về việc đền thờ Kinh Dương Vương được cấp 20 miếu phu, năm Ất Tỵ (1845): “Định rõ lệ cấp miếu phu ở miếu thờ đế vương các đời… miếu Kinh Dương Vương (làng Á Lữ, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh thờ)… xin đều cấp miếu phu (người phục dịch ở các miếu), lấy 20 người làm chuẩn”. Qua tài liệu này cho thấy Miếu Kinh Dương Vương nằm ở xã Á Lữ, huyện Siêu Loại (huyện Siêu Loại nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời minh chứng rằng, đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh từ lâu đã được các triều đại Phong kiến Việt Nam xếp vào hàng miếu thờ các bậc Đế vương, là chốn linh thiêng bậc nhất của xứ Kinh Bắc.
Ngôi đền thờ cùng lăng mộ của vua Kinh Dương Vương hiện vẫn còn tồn tại ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - nơi duy nhất ở Việt Nam còn nguyên dấu tích Thủy tổ của người Việt. Hiện nay, lăng Kinh Dương Vương nằm trên bãi bồi cao rộng, sát bờ nam sông Ðuống có quy mô kiến trúc khá lớn, chạm khắc trang trí "tứ linh, tứ quý" lộng lẫy. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan tư liệu ảnh về Kinh Dương Vương, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.