Chùa Phật Tích qua một số tài liệu cổ

17/08/2023 16:59 Số lượt xem: 1983

Chùa Phật Tích thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Đây là một trong những ngôi chùa cổ với kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý, là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Trên cơ sở đó hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của đất nước (trung tâm Dâu - Luy Lâu).

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ Tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Nhưng theo “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh” và truyền thuyết dân gian thì có thể chùa Phật Tích có từ cuối thế kỷ thứ III.

Chùa Phật Tích được xây dựng trên núi Phật Tích. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 37, mặt khắc 10 có ghi chép: “Phật Tích: Tên núi ở địa phận huyện Tiên Du, trên núi có ngôi chùa”. Địa thế nơi dựng chùa là một trong những nét độc đáo của ngôi chùa. Núi Phật Tích còn gọi là núi Lạn Kha, núi Tiên Du, núi Nguyệt Hằng, cửa mở ra hướng Tây, trước mặt là sông Đuống. Tính từ cổng chùa lên đến vườn tháp, khu vực chùa có 3 lớp gồm những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 37, mặt khắc 10

Bên cạnh sự độc đáo về công trình kiến trúc, chùa Phật Tích còn độc đáo bởi những tác phẩm điêu khắc cổ kính như pho tượng đá A Di Đà; tượng mình người đầu chim vỗ trống; chân cột bằng đá chạm hình ảnh dàn nhạc đang hoạt động; hàng linh thú trước sân chùa; ao rồng...

Kể từ khi xây dựng (năm 1057), chùa Phật Tích đã được các Triều đại chọn sử dụng vào các công việc xã hội ngoài phạm vi tôn giáo một cách hiệu quả. Sử cũ chép rằng, năm 1071, vua Lý Thánh tông đến thăm chùa, viết chữ “Phật” dài 1 trượng 5 thước và cho khắc bia, dựng ở chùa Phật Tích. Các thư tịch cổ còn chép: khoảng năm 1337- 1347, nhà Trần xây dựng thư viện lớn trên núi Phật Tích. Danh nho Trần Tôn được cử trông coi thư viện này. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép rằng: “Chùa Vạn Phúc ở núi Lạn Kha xã Phật Tích, huyện Tiên Du, dựng thời Lý Thánh Tông. Đời Xương Phù (1377), vua Trần Nghệ tông thi Thái học sinh ở đây”. Năm 1383, vua Trần Nhân Tông và quần thần sáng tác tập thơ “Bảo Hoa dư bút” tại chùa Phật Tích. Thời Lê Cảnh Hưng (1740- 1786) mở yến hội.

Trong suốt thời gian dài sau đó, chùa Phật Tích đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Ngày 28 tháng 4 năm 1962, Bộ Văn hóa đã ban hành Quyết định số 313/VH-VP công nhận chùa Phật Tích là Di tích Lịch sử - Văn hóa. Đây là một trong 4 ngôi chùa, đình đầu tiên ở Bắc Ninh được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa. Với những giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời và độc đáo, chùa Phật Tích ngày càng có nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu.

Hiện nay, trong khối tư liệu ảnh Mộc bản, Châu bản đang được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử về lịch sử tỉnh Bắc Ninh thì tư liệu về chùa Phật Tích cùng với một số ngôi chùa khác như chùa Dâu, chùa Dạm... mang ý nghĩa to lớn khi tìm hiểu về Phật giáo, về miền quan họ Bắc Ninh - Kinh Bắc. Cùng với đó là hơn 70 bức ảnh về phong cảnh, đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Ninh thời kỳ trước năm 1945.

Các tập thể, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, thăm quan khối tư liệu ảnh trên, liên hệ Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ, đường Lê Hồng Phong, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (Số điện thoại liên hệ: 0222.3.821.690) để được phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tận tình, chu đáo vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.


Tài liệu tham khảo:

1, 2: Nguyễn Quang Khải (2010), “Chùa Phật Tích - Ngôi chùa độc đáo ở miền Bắc”, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 9, tr43 - 46

Ngô Thị Thúy Chinh

Thống kê truy cập

Online : 2812
Đã truy cập : 150737839